Điều đáng nói ở đây là, không chỉ công nhân mà những công việc có tính chất lặp lại như lễ tân, kế toán... sẽ được thay thế bằng trí thông minh nhân tạo (AI).

Tại Hội thảo khoa học bàn về một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho hay, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), đây sẽ là một trong những thách thức lớn, khi lao động dần được thay thế bằng robot và các nhà máy thông minh sử dụng AI. Do vậy, sẽ có tác động không nhỏ đến vấn đề việc làm trong ngành công nghiệp đặc biệt ngành công nghiệp nhẹ (dệt may, da giày), tiểu thủ công nghiệp trong trung và dài hạn.

Những nghề nào có nguy cơ thất nghiệp cao vì... cách mạng 4.0 - Hình 1

Không chỉ có lao động chân tay mà nghề kế toán cũng sẽ được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo

Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam hiện nay với lợi thế tương đối lớn về lao động giá rẻ, vị trí địa kinh tế thuận lợi, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ quá trình này nhờ xuất khẩu điện tử tăng mạnh. Tuy nhiên, trong trung hạn điều này có thể thay đổi do có những công nghệ đột phá khi in 3D, người máy và internet kết nối vạn vật được sử dụng phổ biến.

Theo ông Khôi, ở Việt Nam, chi phí nhân công bằng khoảng 60% so với Trung Quốc, song xu thế này không phải yếu tố cạnh tranh bởi hiện giá người máy thế giới đang giảm nhanh. Việt Nam cần phải dự tính kịch bản mà các tập đoàn đa quốc gia hiện diện ở Việt Nam sử dụng đa dạng nhiều loại máy thông minh, giảm chi phí và tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận.

TS. Khôi cho rằng: CMCN 4.0 sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm đáng kể lao động, đặc biệt là lao động giản đơn trong một số ngành như dệt may, da giày, điện tử... Những công việc có tính chất lặp lại như lễ tân, kế toán, tư vấn luật cũng có nguy cơ được thay thế bằng AI.

Những nghề nào có nguy cơ thất nghiệp cao vì... cách mạng 4.0 - Hình 2

Dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bà Phan Thị Minh Hiền, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia nói: CMCN 4.0 diễn ra làm cho một số nghề và lĩnh vực có nguy cơ bị robot thay thế bao gồm: Công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, nhân viên chăm sóc khách hàng và có trong dài hạn là lái xe taxi và phi công...

Bà này cho rằng, dựa vào đánh giá của ILO về tỷ lệ lao động trong một số ngành có nguy cơ bị robot thay thế, Việt Nam sẽ có khoảng 20-40% lao động có khả năng bị chuyển đổi sang các nghề khác, thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong tiến trình phát triển của CMCN 4.0.

"Ước tính trong giai đoạn 2018-2015 sẽ có khoảng 8-16 triệu người lao động bị ảnh hưởng khi CN 4.0 được thực hiện thành công", bà Hiền cho hay.

Trong tiến trình phát triển của cuộc CMCN 4.0, bà Hiền cho biết, mọi hành vi nghề nghiệp, cách thức kinh doanh trên thế giới số sẽ thay đổi, biến đổi hoàn toàn so với hiện nay và trí tưởng tượng của chúng ta.

Khi biết được xu thế xã hội, định hướng của các quốc gia về đào tạo và định hướng nghề nghiệp của cá nhân mỗi người cũng sẽ chuyển đổi theo. Các tập đoàn, công ty lớn sẽ đặt các kế hoạch, chiến lược của mình 5-10 năm trong bối cảnh thế giới thay đổi thành thế giới số để làm sao tiếp tục tồn tại và phát triển.

"Nếu chúng ta vẫn giữ cách làm cũ, sẽ phải đối diện với nguy cơ trì trệ, phá sản, đóng cửa. Như vậy, yêu cầu của sự phát triển kinh tế càng đòi hỏi một nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao hơn, đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới", bà Hiền cho hay.

Bên cạnh đó, bà cho rằng, Việt Nam sẽ phải làm nhiều cách để bù đắp sự thiếu hụt lao động có trình độ nghề và kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của kinh tế, trong đó cần tích cực và mở rộng chuyển dịch lao động sang các thị trường lao động sang khu vực ASEAN và các nước trên thế giới nhằm tận dụng tối đa số lao động mất việc và thất nghiệp có kỹ năng đã qua đào tạo và đào tạo lại.

 Hải Nam - Trịnh Uyên