Trên thực tế, bất kỳ cha mẹ nào biết con sử dụng/nghiện ma túy ngoài việc thất vọng, buồn bã cũng sẽ vô cùng tức giận, điều đó là không thể tránh khỏi. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ còn có những lời lẽ và hành động vượt quá giới hạn, xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của con; tác động tiêu cực đến suy nghĩ, hành vi của các con.
Điều này không những không có tác dụng trong việc giúp con cai nghiện mà còn vô tình khiến cho cuộc chiến đưa con ra khỏi vòng vây của ma túy hoàn toàn thất bại. Khi sức chịu đựng của con đã vượt quá cảnh giới, con sẽ càng trở nên cứng đầu, khó bảo, ương bướng, có hành vi chống đối, đôi khi cũng có thể làm hại chính mình và người thân.
Vậy để cứu con mình khỏi "cái chết trắng" việc cha mẹ cần làm gì? Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD trong cuốn “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh” đã chỉ ra những “nguyên tắc vàng” mà cha mẹ cần nhớ khi phát hiện con nghiện ma túy. Những nguyên tắc này cụ thể như sau:
Thứ nhất, cha mẹ cần bình tĩnh và đối diện với sự việc. Khi phát hiện con nghiện ma túy, cha mẹ cần thẳng thắn ngồi trò chuyện cùng con và tìm ra những trường hợp đã từng sử dụng chất ma túy này. Thông thường, các bạn trẻ thường phản ứng bằng cách phủ nhận việc mình sử dụng ma túy, hoặc đưa ra những lý do biện minh. Lúc này, cha mẹ hãy phân tích cho con nghe về tác hại và những hậu quả lâu dài của việc sử dụng các chất gây nghiện. Bên cạnh đó, luôn phải nhấn mạnh với con về việc cha mẹ sẽ đồng hành với con, giúp con vượt qua trạng thái tinh thần. Hãy thực sự là chỗ dựa cho con, chứ không nên là nơi khiến con sợ hãi.
Thứ hai, cha mẹ cần nghiêm khắc để con biết hành động của mình là sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nghiêm khắc ở đây không phải là thể hiện sự quyền uy và áp đặt con theo cách sống do cha mẹ đề ra. Phải nói làm sao để con nghe lời. Trước tiên, cần lắng nghe tâm sự của con, biết nguyên nhân sâu xa và định hướng cách giải quyết cho con tự nguyện nghe theo, chứ không vội vã ép buộc con, dễ dẫn đến con có những suy nghĩ tiêu cực.
Thứ ba, sau khi phát hiện con sử dụng ma túy, cha mẹ cần thường xuyên giám sát con nhưng cũng không quá kiểm soát. Thường xuyên kiểm tra nơi con sẽ giấu ma túy là rất quan trọng, nhưng khi phát hiện phải thật bình tĩnh, chứ không nên trách phạt con. Đồng thời, tạo ra những khoảng không gian để nghe con tâm sự, từ đó gần gũi, chia sẻ với con về vấn đề ma túy.
Thứ tư, cha mẹ cần đưa con đến gặp các chuyên gia để được tư vấn, hỗ trợ. Hãy đưa con bạn đến gặp những chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm làm việc với thanh thiếu niên để nhận được tư vấn, nếu con đã nghiện hãy đến những trung tâm cai nghiện có uy tín, chất lượng. Không bao giờ quá sớm để nói với trao đổi với con bạn về ma túy và những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe và cuộc sống.
Thứ năm, cha mẹ cần khuyến khích, đồng hành cùng con trên chặng đường cai nghiện đầy khó khăn. Cha mẹ hãy khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội. Khi con đã thừa nhận việc sử dụng ma túy và đang nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn bên con. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên đồng hành cùng con trong các hoạt động, để nắm bắt tinh thần, cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn, tránh sự xa cách khiến con trượt dài hơn nữa. Khi chúng được sống trong sự đam mê lành mạnh, loại bỏ các ý nghĩ tiêu cực, chúng sẽ dần quên "cái chết trắng".
Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình và mức độ lệ thuộc vào ma túy (nghiện nặng hay nghiện nhẹ) của con, cha mẹ có thể áp dụng những nguyên tắc trên một cách khéo léo và hợp lý. Cai nghiện ma túy là cả một hành trình dài gian nan và vất vả, nếu cha mẹ không đủ kiên trì và nhẫn nại đi cùng thì con đường hoàn lương, trở lại làm người bình thường của con chắc chắn sẽ càng nhiều chông gai hơn nữa.
Cuốn tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh" nằm trong Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD biên soạn. Cuốn sách gồm có 2 phần: Phần thứ nhất cung cấp cho cha mẹ những thông tin đầy đủ, dễ đọc, dễ hiểu về ma túy. Phần thứ hai trang bị cho cha mẹ những kỹ năng cơ bản trong việc hướng dẫn, hỗ trợ con/em phòng chống ma túy.
Ở cuối cuốn sách cũng cung cấp cho cha mẹ những thông tin hữu ích về pháp luật và những quy định cụ thể về hành vi phạm tội liên quan đến ma túy. Trong đó, các điều luật chỉ rõ các mức độ xử lý cụ thể nếu như người vi phạm là học sinh trung học. Qua đó, giúp cha mẹ có cái nhìn toàn diện và bao quát, hiểu biết về pháp luật để hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn con em mình phòng, chống ma túy hiệu quả hơn.
Cuốn tài liệu đóng vai trò như một cuốn cẩm nang về phòng, chống ma túy dành cho các bậc phụ huynh, không chỉ cung cấp thông tin cơ bản nhất về ma túy cuốn sách còn hướng dẫn cha mẹ các kỹ năng giúp con em mình thoát khỏi những nguy cơ liên quan đến ma túy.
Trang Nguyễn