Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý trong 10 năm trở lại đây. Trong số đó, có khoảng 70% số người nghiện dưới 30 tuổi; 5% người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi), riêng trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50%. Đây là con số khiến nhiều người giật mình.
Một thực trạng còn đáng lo ngại hơn là hiện nay ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số người nghiện ma túy vẫn tăng lên như ma túy ngày càng biến tướng, giả dạng và trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, khó nhận biết với những tên gọi lại vô cùng hấp dẫn lứa tuổi học sinh như nước vui, trà sữa, nấm ma thuật, tem giấy, bóng cười – funky ball,…
Bên cạnh đó, hoạt động tội phạm ma túy cũng ngày một tinh vi, xảo quyệt. Những kẻ buôn bán cũng liều lĩnh và có nhiều cách tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo “con mồi” như ở quán nước, quán karaoke, vũ trường, thậm chí là ở một tiệc vui bất kỳ…
Hiện nay, mặc dù các trường đã tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, tần suất thực hiện còn thưa thớt, thiếu tính liên tục. Mỗi năm trường chủ yếu chỉ tổ chức 1 lần hoặc tập trung vào những tháng, những đợt cao điểm về phòng chống ma túy.
Bên cạnh đó, việc truyền thông chưa hiệu quả cũng được cho là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ rơi vào cạm bẫy ma túy. Các hoạt động tuyên truyền chứa các nội dung chậm được đổi mới, chưa tính đến đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi, các đối tượng khác nhau mà vẫn rập khuôn, cứng nhắc như nhau cho mọi đối tượng.
Trong khi đó, hầu hết các em học sinh tham gia các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy mang tính ép buộc, tham gia cho có và không chủ động tham gia. Đồng thời, ở trường học, những hoạt động truyền thông không được giám sát kỹ lưỡng, thiếu sự đồng nhất về nội dung có thể vô tình tạo ra phản ứng ngược.
Kết quả công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy đạt được chưa cao, chưa thực sự hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên. Các hình thức truyền thông chưa phong phú, chưa thuyết phục vì ít dẫn chứng cụ thể. Các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy ở các trường học chưa thực sự theo định hướng cụ thể từ Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo và các ban ngành có liên quan; vì vậy chưa tạo được sự đồng nhất trong việc triển khai các kế hoạch, nội dung truyền thông cụ thể đến từng trường học…
Một con số từ cuộc khảo sát của Viện PSD đưa ra cũng khiến nhiều người giật mình. Có đến 43,9% số học sinh tham gia khảo sát cho rằng bản thân không biết gì về dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy, gần 40% khẳng định rằng mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng, tránh ma túy.
Qua khảo sát cụ thể hơn, có tới 75,9% học sinh không hiểu biết đúng về khái niệm ma túy. Nhận thức của học sinh về khả năng gây nghiện của các chất ma túy tổng hợp và một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được rất ít học sinh nắm bắt đúng, đầy đủ, chỉ có 56,4% cho rằng ma túy là chất có thể gây nghiện, đối với bóng cười, tỉ lệ này là 15,7%; keo chó là 19,7%.
Kết quả khảo sát trên 1.100 học sinh các trường phổ thông ở 5 quận của TP Hà Nội và một số địa phương khác cho thấy, chỉ có 4,5% số học sinh nói rằng mình hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy, trong khi đó có tới 42,2 % tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này; 44% các em không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% chưa biết đến kỹ năng cần thiết phòng tránh ma túy.
Không chỉ học sinh, khảo sát cũng cho thấy nhiều phụ huynh, giáo viên hay người làm công tác tuyên truyền về ma túy cũng có kiến thức và kỹ năng rất hạn chế. Nguyên nhân là từ trước đến nay, chưa có bất kỳ một bộ tài liệu chính thống nào nói về ma túy cũng như kỹ năng phòng, chống. Một khi đội ngũ tuyên truyền, giảng dạy còn hiểu “chung chung” thì việc các bạn trẻ không được cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết về ma túy là điều dễ hiểu.
Từ thực tế trên, Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” ra đời là hết sức quan trọng và ý nghĩa. Bộ tài liệu của Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD biên soạn, xuất bản và phát hành hướng đến 02 mục đích chính.
Thứ nhất, trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý.
Thứ hai, hướng tới mục tiêu dự phòng sử dụng ma túy, dự phòng nghiện ma túy cho thế hệ trẻ là học sinh cấp 2, học sinh cấp 3 đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như hỗ trợ phụ huynh, thầy cô trở thành những người đồng hành cùng các con trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của ma túy.
Ngoài ra, bộ tài liệu còn có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống ma túy nói riêng, những nhà công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học… để hỗ trợ chuyên nghiệp cho các khách hàng là học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những đối tượng khác với những vấn đề liên quan đến ma túy và hành vi sử dụng ma túy.
Trang Nguyễn