Tuổi thơ cơ cực vì bố mẹ đều là người nghiện ma túy

Thời gian gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến câu chuyện của cháu M. (11 tuổi, ở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La). Thượng úy Hà Văn Nhuận - Trưởng Công an xã Háng Đồng cho biết, hoàn cảnh cháu bé rất đáng thương, gia đình cháu M. có bố mẹ đều là những người nghiện ma túy lâu năm, thường xuyên bỏ nhà đi, bỏ mặc cháu bé không quan tâm chăm sóc, mặc dù M. đã đến tuổi lên lớp, nhưng cháu không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Theo Thượng úy Nhuận, thời điểm tổ công tác phát hiện cháu M. đi lang thang một mình trong rừng đặc dụng Tà Xùa là vào buổi tối, khu vực cháu đi lạc cách nhà khoảng 6 km, rất nguy hiểm. Khi thấy tổ công tác, cháu M. liên tục hỏi bố mẹ đâu và rất lo lắng, sợ sệt. Ngay sau đó, tổ công tác gồm Thiếu tá Hà Văn Chính, cán bộ công an xã và phó trưởng công an xã đã đưa cháu M. về trụ sở để chăm sóc và động viên cháu.

"Sau khi hỏi han và nắm được địa chỉ gia đình M., chúng tôi đã tìm cách liên lạc với bố mẹ cháu bé nhưng không được, vì tại khu vực cháu sinh sống không có sóng điện thoại. Sau gần một ngày tìm cách liên lạc, đến chiều 1/7, công an đã liên hệ được với gia đình cháu, nhưng vẫn không thấy họ đến đón M. Rất may tại xã có một cán bộ văn phòng làm ở ủy ban cũng ở bản Háng Đồng C nên người này đã đưa cháu M. về nhà an toàn", Thượng úy Nhuận nói.

Thiết nghĩ, bằng độ tuổi của cháu M. đáng lẽ ra phải nhận được sự quan tâm chăm sóc và giáo dục tốt nhất từ phía gia đình. Tuy nhiên, sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều nghiện ma túy lâu năm thì điều đó có lẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.

Ngày hôm đó, bé M. được các cán bộ công an phát hiện và đưa về nhà an toàn nhưng chẳng ai dám chắc rằng những lần sau, lần sau nữa cũng như thế. Rồi những tháng năm sau này của bé sẽ ra sao, tương lai của bé sẽ như thế nào… Đây là điều không ít người trăn trở, day dứt khi biết đến hoàn cảnh của bé; đặc biệt là đối với những người làm cha mẹ có con ở độ tuổi của bé M.

Ở một hoàn cảnh khác, sau mỗi chiều tan học, hai chị em L. T. H. (14 tuổi), L. T. L. (10 tuổi), cùng trú tại bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) lại dắt nhau lên rừng kiếm củi, hái rau và trở về nhà lúc xẩm tối. Đã gần 7 năm qua, hai đứa trẻ lủi thủi chăm nhau, từ bữa cơm, giấc ngủ, việc học hành và bảo vệ nhau theo bản năng sinh tồn.

Bố nghiện ma túy và chết vì căn bệnh HIV/AIDS khi L. chưa đầy 1 tuổi. Lây bệnh từ bố (năm 2014), mẹ hai em cũng qua đời. H. bất đắc dĩ trở thành trụ cột, vừa là bố, là mẹ của đứa em thơ. Tài sản duy nhất bố mẹ để lại cho H. và L. là ngôi nhà nhỏ, được che chắn bằng phên nứa. Ngồi trong nhà gió thổi ba bề bốn bên, ngửa mặt lên là nắng xiên, mưa dột. Nhìn hoàn cảnh 2 em, người trong bản ai nấy phải xót xa.

“Hoàn cảnh 2 chị em H. và L. khổ lắm. Phần vì mặc cảm, phần vì điều kiện không cho phép nên chúng không vô tư, chơi đùa nhiều cùng bọn trẻ trong bản. Lúc bố còn sống, 2 cháu cũng chẳng mấy khi được ăn no. Trong nhà có gì, bố chúng đem bán sạch để lấy tiền mua ma túy. Giờ mồ côi rồi, làng bản ai cũng thương, người cho tí gạo, người lại cho quả trứng, mớ rau” – ông Quàng Văn Dương, Trưởng bản Lịch Cang chia sẻ.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” – Vỏ bọc an toàn cho các em học sinh
Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” – Vỏ bọc an toàn cho các em học sinh

Vỏ bọc an toàn cho các em học sinh trước hiểm họa ma túy

Tuổi thơ đầy đói khát, cơ cực của bé M., bé H. hay bé L. chỉ là một trong số ít những câu chuyện liên quan đến ma túy vẫn đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta đã nghe đến, biết đến hoặc cũng chưa bao giờ được chứng kiến.

Chúng ta luôn nghĩ rằng, gia đình là “lá chắn thép” và là vỏ bọc an toàn giúp các em học sinh, những người trẻ tuổi tránh khỏi hiểm họa ma túy nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp chính cha mẹ lại là người trực tiếp đẩy con trẻ vào trong nghịch cảnh, hủy hoại đi tương lai tươi sáng và tiền đồ rộng mở của con.

Điển hình như trường của bé M., cha mẹ bé đều là những người nghiện ma túy lâu năm, mọi nguồn thu của gia đình đều để thỏa mãn “cơn nghiện” của bố mẹ. Thậm chí họ còn thường xuyên bỏ nhà đi, không quan tâm chăm sóc, để mặc con chịu đói khát, cũng chẳng cho bé đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Việc làm này của bố mẹ có thể khiến bé M. chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề, trong tiềm thức của bé luôn bị ám ảnh bởi hai từ “ma túy”. Và sau này, khi bé lớn lên, quá khứ đầy mảnh vỡ cộng thêm với việc không được giáo dục từ nhỏ cũng có thể sẽ là nguyên nhân khiến bé sa ngã vào các tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy. Điều này là vô cùng nguy hiểm và bất kỳ ai cũng không mong muốn.

Có thể thấy rằng, gia đình chính là một trong những tác nhân khiến nhiều em học sinh sa ngã vào tệ nạn ma túy. Những gia đình có hoàn cảnh phức tạp như: bố mẹ ly thân, ly hôn, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn,…là nơi sản sinh ra nhiều người nghiện ma túy “tuổi học sinh”. Bên cạnh đó, việc cha mẹ quá nuông chiều con cái, hoặc mải mê làm ăn, thiếu quan tâm đến con cũng là nguyên nhân khiến các con dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội và nghiện ma túy.

Ma túy không chỉ từng ngày, từng giờ tàn phá sức khỏe, tinh thần của người nghiện mà còn đang âm thầm hủy hoại tương lai của thế hệ trẻ - những mầm non tương lai của đất nước. Trong tình hình ma túy ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay thì đâu mới là vỏ bọc an toàn cho các em học sinh?

Luôn trăn trở về vấn đề này, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã biên soạn Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”. Bộ tài liệu là thành quả sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực: tâm lý, y học, sinh học thần kinh, xã hội học…thuộc Viện PSD.

Bộ tài liệu gồm có 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Không chỉ trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về ma túy và đưa ra những chỉ dẫn giúp các em biết cách xử lý khi gặp tình huống nguy cơ, Bộ tài liệu còn cung cấp cho các bậc phụ huynh và giáo viên những thông tin về tâm lý lứa tuổi học sinh, về ma túy (cách nhận biết, tác hại…) và các kỹ năng có liên quan để hỗ trợ con/em mình phòng, chống ma túy hiệu quả.

Đến nay, Bộ tài liệu về cơ bản đã hoàn thiện và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Bộ tài liệu được xem như là lớp vỏ bọc an toàn bảo vệ các em học sinh nói riêng và thế hệ trẻ nói chung trước hiểm họa ma túy, tri thức trong mỗi cuốn tài liệu sẽ là nguồn sức mạnh giúp các bậc phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngăn chặn tệ nạn ma túy tấn công học đường.

Trang Nguyễn