Hiện nay, dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng những khó khăn trong quá trình thông quan hàng hóa (nhất là nông sản) tại các cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc như cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai), cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn)..., vẫn khiến người nông dân trồng thanh long, dưa hấu... gặp khốn khó, mong sự “cầu cứu”.

Bên cạnh hàng tấn thanh long, dưa hấu đến tay bà con khắp các tỉnh trong cả nước, những sáng tạo mới nhằm đa dạng hóa mặt hàng tiêu thụ như bánh mì thanh long, bánh bao thanh long và gần đây là bánh mì dưa hấu - đang nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng.

Bánh mì thanh long và bánh mì dưa hấu có màu sậm, đặc biệt ngọt thanh và dẻo thơm hơn bánh mì bình thường.Bánh mì thanh long và bánh mì dưa hấu có màu sậm, đặc biệt ngọt thanh và dẻo thơm hơn bánh mì bình thường.

Anh Trần Quang Hợp (Phú Thọ) cho biết: “Tôi có nghe nói về những loại sản phẩm này. Trước đó, tôi biết thông tin về loại bánh mì thanh long trong miền Nam, đọc báo thấy ngoài Bắc có bánh mì dưa hấu, trông bắt mắt và muốn thử. Tôi thấy, đó là tư duy và cách làm hết sức độc đáo, sáng tạo".

Chị Ngô Thị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từ lúc có chiến dịch giải cứu nông sản, tôi đã mua hàng chục cân dưa hấu phân phát cho người thân, hàng xóm, giúp đỡ người nông dân. Đến nay, ngày càng có nhiều cách thức mới trong chế biến sản phẩm từ dưa, thanh long..., tôi rất vui vì điều này. Tôi tin với sự đoàn kết của mọi người, những người nông dân sẽ sớm vượt qua được thời kỳ khó khăn, dịch bệnh được đẩy lùi và cuộc sống sẽ thuận lợi, tốt đẹp hơn lên”.

Bày tỏ mong muốn của mình, anh Hòa Xuân Quý (Nam Định) nhấn mạnh: “Tôi mong mọi người cùng chung tay góp sức cho ngành nông sản nước nhà. Không chỉ dừng lại việc có các loại sản phẩm như bánh mì thanh long, bánh mì dưa hấu, mà cần tìm ra nhiều cách thức khác để đa dạng hóa sản phẩm, giúp tiêu thụ nông sản một cách bền vững”.

Ngoài ra, để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản, từ mùng 5 Tết, Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình, đưa ra cảnh báo. Đồng thời, yêu cầu các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức tìm kiếm, kết nối chuyển hướng hoạt động thương mại xuất khẩu mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, sang các thị trường khác; đề nghị các DN logistics giúp bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới.

“Chúng tôi đã vận động một số chủ hàng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Tuy nhiên, kết quả thu được là chưa nhiều, do xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, đặc biệt là xuất khẩu trái cây được ưu đãi thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc chiếm một tỷ trọng khá lớn. Với những sản phẩm xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, chỉ còn cách chờ chợ biên giới được mở cửa trở lại”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lý giải.

Sáng 20/2, cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn) đã chính thức mở cửa, thông quan đối với những loại hàng hóa có hợp đồng mua bán ngoại thương. Các chuyến hàng được phép thông quan phải đáp ứng điều kiện bắt buộc là có hợp đồng thương mại giữa hai bên, đối với hàng hóa trao đổi giữa cư dân biên giới, hiện phía Trung Quốc chưa tiếp nhận.

Trang Nguyễn - Tuấn Quang