Tham dự Hội nghị còn có: Thường trực UBMTTQVN tỉnh; Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành: Văn phòng UBND tỉnh; Công an tỉnh; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nội vụ; Xây dựng; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý các Khu công nghiệp; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Bảo hiểm xã hội; Chi cục Hải quan; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Lãnh đạo các hiệp hội: Doanh nghiệp, Du lịch, Giống thủy sản, Yến sào, Hội Doanh nhân trẻ và gần 100 doanh nghiệp.
Hội nghị đã nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian đến; ý kiến đóng góp của sở, ngành, địa phương và kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam đã kết luận:
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhất là trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; Lãnh đạo Tỉnh chia sẻ và luôn đồng hành cùng với những khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua và những đóng góp tích cực, tâm huyết, trách nhiệm cho sự phát triển của tỉnh.
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh duy trì ổn định, một số lĩnh vực chuyển biến khá; GRDP đạt 8,07% (đứng 14/63 tỉnh, thành và 3/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung), chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2023 cải thiện tích cực, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung. Tuy nhiên tình hình hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 6%; số doanh nghiệp quay lại thị trường giảm 22,2%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 10,1% so với cùng kỳ; một số vướng mắc của doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm, kéo dài, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, khoáng sản, điện lực.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị, những phản ánh, chia sẻ của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương vào cuộc nhanh hơn, hiệu quả hơn trong tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam chỉ đạo nóng một số nhiệm vụ thời gian đến:
“Người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường lắng nghe, giải quyết quyết liệt hơn nữa các vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn của doanh nghiệp; nội dung gì đã rõ, đồng thuận, thuận lợi cho doanh nghiệp và điều kiện quy định pháp luật cho phép thì giải quyết ngay; những nội dung khó, chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau, các sở, ngành, địa phương chủ động động phối hợp giải quyết theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền tham mưu Lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, họp giải quyết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các vướng mắc của doanh nghiệp có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thực hiện xuyên suốt và có trách nhiệm với phương châm đã đề ra “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, “sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của Tỉnh”; tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời; tuyệt đối không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp.
Tăng cường kết nối và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn lao động có tay nghề, tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Bám sát và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển”.
Các doanh nhân tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tăng cường kết nối, chia sẻ, quyết tâm nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tích cực tương tác với các sở, ngành, địa phương để chia sẻ thông tin và phối hợp để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ và các hiệp hội ngành nghề phát huy tốt hơn vai trò tập hợp các doanh nhân, doanh nghiệp trong tổ chức của Hội; chủ động phối hợp, đồng hành cùng các sở, ngành, địa phương trong triển khai và thực hiện tốt các nội dung phối hợp theo Quy chế đã được ký kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp.”
Về các nội dung kiến nghị:Tại Hội nghị ghi nhận 13 lượt ý kiến/9 doanh nghiệp, trong đó có ý kiến chia sẻ tình hình hoạt động và định hướng đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp, hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp và hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, thủ tục đầu tư dự án, mở rộng vùng nuôi chim Yến …Một số vấn đề doanh nghiệp nêu đã được Lãnh đạo UBND tỉnh, Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thông tin, trả lời thấu đáo, đầy đủ tại Hội nghị, cụ thể các kiến nghị của: Hiệp hội du lịch, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Chí Khoa, Công ty CP kinh doanh tổng hợp Ninh Thuận, Công ty cổ phần Top Solutions.
Với một số nội dung kiến nghị còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam đã chỉ đạo:
“Mở rộng vùng nuôi chim Yến và hạ tầng điện phục vụ vùng nuôi: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội yến sào rà soát, đề xuất chỉ tiêu đất nông nghiệp khác, quy trình chuyển mục đích đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp khác; khả năng đầu tư lưới điện,... đi đến thống nhất quy trình thủ tục, hướng dẫn Hiệp hội yến sào để đầu tư nuôi chim Yến đúng theo quy định về Luật chăn nuôi và các quy định pháp luật có liên quan. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/7/2024.
Cấp phép xây dựng công trình cây xăng dầu tại phường Phước Mỹ của Công ty CP kinh doanh tổng hợp Ninh Thuận: Giao Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền. Báo cáo kết quả giải quyết về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 13/7/2024.
Về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động tour, tuyến không đăng ký và hạ tầng phục vụ, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh: Giao Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra công tác an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khu vực, địa điểm du lịch, tập trung ăn uống, vui chơi phục vụ du khách. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội du lịch và các đơn vị có liên quan tham mưu hội nghị chuyên đề trong tháng 7/2024 để giải quyết vấn đề trên, đảm bảo đồng bộ, xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt và lâu dài.
Hạ tầng điện, nước tại Khu công nghiệp Thành Hải (mở rộng): Giao Ban quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty điện lực Ninh Thuận, Công ty cổ phần cấp nước Ninh Thuận, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp tổ chức họp để giải quyết vấn đề cung cấp điện, nước cho nhà đầu tư thứ cấp. Báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/7/2024.
Hạ tầng tại Cụm công nghiệp Quảng Sơn: Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch khẩn trương kiểm tra, rà soát; chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp, Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn và đơn vị liên quan để giải quyết. Báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/7/2024.
Đề xuất làm tuyến đường đi bộ ven biển từ khách sạn Sài Gòn – Ninh Chữ đến chân cầu Ninh Chữ (cầu mới): Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải, Hiệp hội du lịch và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất giải quyết.
Đối với tuyến đường đi bộ ven biển hiện hữu: Giao Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải rà soát, kiểm tra điện chiếu sáng tuyến đường này có đảm bảo đủ sáng cho các hoạt động đi lại của nhân dân và du khách; xử lý khắc phục theo thẩm quyền. Báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/7/2024.
Giao Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh chỉ đạo. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thường xuyên tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.”
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cũng phân công các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên, Trịnh Minh Hoàng chỉ đạo giải quyết một số nội dung cụ thể.
Hội nghị được các doanh nghiệp đánh giá rất cao và thành công tốt đạp. Được biết, ngày 13/3/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch số 1093/KH- UBND về tổ chức 3 hội nghị gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp vào các ngày từ 20 đến 30 tháng cuối quý I, II, III năm 2024. Tiếp đến, ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ban hành kế hoạch số 2356/KH- UBND tổ chức gặp mặt doanh nghiệp trực tiếp 1 tháng/lần. Đây là cách làm không nhiều địa phương làm được, nên được nhân rộng.
Minh Ngọc - Nguyên Nguyên