Đặc biệt, Ninh Thuận có hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu 02 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Hòa Lai và Tháp Po Klong Garai, cùng với 18 di tích quốc gia, trong đó bao gồm các công trình lịch sử và kiến trúc nổi tiếng như Bẫy Đá Pinăng Tắc, Tháp Pô Rômê, đình Vạn Phước, đình Đắc Nhơn, đình Dư Khánh, đình Văn Sơn, đình Thuận Hòa, đình Khánh Nhơn, Miếu Xóm Bánh, đình Tấn Lộc, Chùa Ông và đình Tri Thủy. Danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy cũng đã được công nhận ở cấp quốc gia, trở thành biểu tượng du lịch của tỉnh.
Về di sản văn hóa phi vật thể, Ninh Thuận có 05 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Katê của người Chăm, Lễ bỏ mả của người Raglai, Lễ Cầu ngư của ngư dân ven biển, Nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa và Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai xã Phước Hà, Thuận Nam. Thêm vào đó, có 53 di tích và di sản văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, bao gồm các di tích lịch sử cách mạng, đình, đền và lăng miếu, tạo nên bức tranh di sản phong phú và đa dạng của Ninh Thuận.
Đặc biệt, việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, nghề gốm của người Chăm với những di tích lịch sử mang tầm vóc quốc gia như Tháp Po Klong Garai đem lại giá trị bền vững, không chỉ về mặt văn hóa mà còn về kinh tế. Chính vì vậy, gắn kết công tác bảo tồn di sản với phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch được địa phương xem là một chiến lược dài hạn và toàn diện, không chỉ đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn và bền vững.
Bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy, tôn tạo, triệt để khai thác tiềm năng từ kho báu các di tích, di sản, danh lam thắng cảnh độc đáo; chắc chắn Ninh Thuận sẽ tạo động được lực mạnh mẽ, bền vững cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Trần Minh Ngọc