Về phía khách mời có Bà Lê Thanh Hà - Trưởng phòng Môi trường kinh doanh, Ban Pháp chế VCCI; Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh. Tham dự hội nghị còn có các vị trong Ban thường vụ tỉnh ủy; Thường trực HĐND; UBND; UBMTTQVN tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; Đại diện các Hiệp hội, hội, doanh nghiệp; Phóng viên các cơ quan thông tin truyền thông.
Theo phát biểu của đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận: Với quyết tâm và nỗ lực của Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có chuyển biến tích cực. Kết quả năm 2023, Chỉ số PCI của tỉnh đạt 69,10 điểm, tăng 3,67 điểm và tăng 19 bậc so với năm 2022, tăng 38 bậc so với năm 2021, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của cả nước. Trong các chỉ số thành phần của PCI, nhiều chỉ số thành phần của Ninh Thuận đã đạt điểm số cao, nằm trong top 10, như: Chỉ số tính năng động của chính quyền, xếp 1/63 tỉnh, thành; Chỉ số gia nhập thị trường, xếp 2/63; Chỉ số Tiếp cận đất đai, xếp 6/63. Nhưng cũng có những chỉ số thành phần còn giảm điểm như: Chỉ số tính minh bạch, xếp 45/63; Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xếp 49/63.
Hội thảo đã nghe các báo cáo, phân tích, đánh giá và nhận định những cơ hội, thách thức cũng như những giải pháp của chuyên gia và các vị đại biểu.
Kết luận hội thảo, ông Trần Quốc Nam- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ:
“Trên cơ sở các đề xuất giải pháp của các chuyên gia, hiến kế của doanh nghiệp tại Hội thảo và với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”; đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, năng lực, làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phấn đấu Chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2024 đạt từ 71,70 điểm trở lên (tăng 2,61 điểm so với năm 2023), đưa PCI Ninh Thuận xếp trong nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm tốt của cả nước …”.
Ông Trần Quốc Nam- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến:
“Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Ninh Thuận, kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá, lấy công tác hỗ trợ (thủ tục về đầu tư, đất đai, thuế, phòng cháy, môi trường, quản lý thị trường; tìm kiếm thị trường, tiếp cận vốn tín dụng, tìm kiếm đối tác kinh doanh, biến động thị trường, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu,...) và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm hạt nhân; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, cả đầu tư công lẫn đầu tư của các thành phần kinh tế.
Ninh Thuận đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước hướng tới chính quyền số, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng để tiết kiệm chi phí và nâng cao tính công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa của các huyện, thành phố.
Người đứng đầu các ngành, địa phương phải năng động, sáng tạo, tiên phong trong thực hiện vai trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “giỏi chuyên môn – trong sáng trong thực thi công vụ”, có trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ; luôn đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hình thức xúc tiến đầu tư, nhất là xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh, tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo đồng bộ, đầy đủ các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và định hướng phát triển các ngành lĩnh vực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, xây dựng phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới nền kinh tế xanh, khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; nghiên cứu triển khai các chính sách khuyến khích và cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xanh hóa; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ môi trường.
Đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ tiếp tục phát huy vai trò tập hợp doanh nghiệp, là cầu nối bền chặt giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; cũng như trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đề nghị các doanh nhân quan tâm các hoạt động chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại doanh nghiệp, đây là xu thế tất yếu trong hành trình hội nhập, hợp tác, mở rộng thị trường ra thế giới; tiếp tục có sự nhìn nhận khách quan đối với những nỗ lực của Lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải thiện Chỉ số PCI trong thời gian tới.”
Hội thảo được đánh giá đã thành công tốt đẹp.
Trần Minh Ngọc