Dù đã làm việc, nhận lương gần 1 năm, nhưng đến nay hàng trăm lao động tại NM Xi măng Long Sơn vẫn chưa được đóng bảo hiểm theo quy định
Như Thương hiệu & Công luận đã thông tin, thời gian qua, người dân tại phường Đông Sơn, Lam Sơn và xã Hà Lan (TX. Bỉm Sơn) đã đồng loạt gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng địa phương - “tố” NM Xi măng Long Sơn (Công ty TNHH Long Sơn) xả thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.
Trước thực trạng trên, Sở TN&MT Thanh Hóa đã thành lập Đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại NM Xi măng Long Sơn, đồng thời chỉ rõ nhiều sai phạm, thiếu sót về môi trường của DN này.
NM Xi măng Long Sơn được triển khai xây dựng năm 2014, trên diện tích 60,35 ha, gồm 2 dây chuyền sản xuất với tổng công suất thiết kế 12.000 tấn clanke/ngày: dây chuyền 1 (công suất 6.000 tấn clanke/ngày tương đương 2,3 triệu tấn xi măng); dây chuyền 2 đang được đầu tư xây dựng, sản xuất gồm clanke, xi măng đóng bao và xi măng rời. NM bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10/2016.
Theo giới thiệu, NM xi măng Long Sơn hiện có tới trên 700 cán bộ, công nhân viên, theo đó luôn đảm bảo cho người lao động có mức thu nhập ổn định, được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách…
Đoàn Thanh tra của Sở TN&MT Thanh Hóa chỉ rõ nhiều sai phạm về môi trường của NM Xi măng Long Sơn
Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Theo tìm hiểu của PV, hàng trăm lao động (từ nhân viên văn phòng, công nhân, bảo vệ…) của NM Xi măng Long Sơn đến nay vẫn chưa được đóng bảo hiểm, mặc dù đã làm việc, nhận lương hàng tháng của DN này gần 1 năm nay.
Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Tổng hợp Vật tư, NM Xi măng Long Sơn cũng đã thừa nhận: ““Hiện nay, có khoảng 500 công nhân lao động mà tính đến tháng 4 này làm việc được 6 tháng. Tôi mới báo cáo lãnh đạo, sắp tới sẽ đóng bảo hiểm hết cho công nhân…”.
NM Xi măng Long Sơn vẫn chưa có Giấy phép xả thải ra nguồn tiếp nhận
Theo quy định, khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Cụ thể, tại Điều 4, Điều 13, Điều 17 Quyết định 959/QĐ-BHXH Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn dưới Luật; Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, quy định đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc, bao gồm:
Một là, người làm việc theo HĐLĐ (hoặc hợp đồng làm việc) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
Hai là, người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 01/01/2018);
Ba là, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
Bốn là, người sử dụng lao động tham gia BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.
Chiếu theo những quy định trên, có thể thấy rõ, việc NM xi măng Long Sơn sử dụng hàng trăm lao động gần một năm, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đóng bảo hiểm cho người lao động là đi ngược lại với quy định của Luật BHXH.
Nếu làm việc tại một NM sản xuất xi măng thì người lao động sẽ thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn, bụi bặm, hóa chất, nguy cơ mất an toàn lao động là rất cao…
Dư luận đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm trước tính mạng của hàng trăm lao động đang làm việc tại đây nếu xảy ra tai nạn lao động, ốm đau, bệnh tật, thai sản…?
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa có biết hay không? Vì sao đến nay vẫn chưa có động thái xử lý?...
Trước thực trạng trên, để bảo đảm quyền lợi của hàng trăm người lao động, ổn định đời sống, tránh thất thu ngân sách nhà nước, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh và xử nghiêm những sai phạm, thiếu sót (nếu có) của NM Xi măng Long Sơn.
Trốn đóng bảo hiểm có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm Điều 216 (Bộ Luật Hình sự năm 2015) - “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”, quy định rõ: 1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng. |
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tuấn Ngọc