Bộ trưởng Tài chính chỉ ra, chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần. Các khoản nợ tập trung vào 3 nhà tài trợ chính: Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần (23.900 tỉ đồng tăng lên 274.200 tỉ đồng); Ngân hàng Phát triển Châu Á tăng 20,3 lần (7.500 tỉ đồng lên 151.100 tỉ đồng); Nhật Bản tăng 6,8 lần (35.900 tỉ đồng lên 243.900 tỉ đồng).

Nợ công ngày càng tăng nhanh, ai quản? - Hình 1

Ảnh minh họa

Tổng kết về NSNN nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, ông Phùng Quốc Hiển, nay là Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, bội chi NSNN năm sau cao hơn năm trước, nợ công ngày càng tăng nhanh và đang tiệm cận đến mức trần cho phép. Trong đó, nợ Chính phủ đã vượt trần lên mức 50,3% GDP vào cuối năm 2015 và đặc biệt là kỷ luật, kỷ cương tài khóa và các nguyên tắc cân đối, quản lý tài chính - ngân sách chưa được chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quản lý nợ công là việc làm cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn, phải làm sao gắn việc quản lý nợ công với trách nhiệm quản lý các khoản nợ, cũng như quản lý việc vay nợ.

“Công tác quản lý nợ công cũng chính là quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, nên Luật Quản lý nợ công cần phải gắn chặt với Luật Quản lý đầu tư công năm 2015”.

Tuy nhiên, mặc dù nợ công đang ở mức cao nhưng với các khoản vay nước ngoài phần lớn đều là vay dài hạn, với lãi suất ưu đãi, hiện tại nợ công không gây sức ép cho NSNN về nghĩa vụ trả nợ đến hạn. Theo Bộ Tài chính hiện các chỉ số nợ của Việt Nam đang ở mức an toàn và nợ công đang được quản lý chặt chẽ theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Các khoản nợ trong nước và nước ngoài đều được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Hàng năm, NSNN  bố trí trả nợ từ 14 -16% tổng số thu ngân sách (giới hạn cảnh báo là dưới 30%), bằng khoảng 4,5% xuất khẩu (giới hạn cảnh báo là dưới 15%). 

Để khắc phục hạn chế trong quản lý rủi ro đối với nợ công, theo Bộ trưởng Tài chính, dự luật ngoài việc có các điều khoản cụ thể về quản lý rủi ro tín dụng cho vay lại. Về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ, còn quy định các nội dung cụ thể hướng dẫn quản lý và xử lý rủi ro đối với nợ công, từ việc nhận diện rủi ro, phân loại rủi ro, các biện pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý khi xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến nợ công.

Dự luật cũng quy định điều kiện được vay lại gồm: Tình hình tài chính lành mạnh; nợ quá hạn không quá 5%; đáp ứng các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định; tổng mức dư nợ vay lại chịu rủi ro tín dụng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu thực có của từng tổ chức tài chính - tín dụng tại thời điểm xem xét cho vay lại….

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định nhằm phân định rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý, đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức thẩm định...

Báo cáo cũng nêu đa số ý kiến thống nhất nội dung không tính vào nợ công các khoản nợ NHNN Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), của đơn vị sự nghiệp công lập.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.

Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi đã đưa vào những điều khoản rất chi tiết cho phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, kể cả Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, và các luật ban hành khác cho phù hợp, trong đó quy định khoản nợ công bao gồm những khoản nào một cách chặt chẽ. Dự thảo luật đã khẳng định nợ công bao gồm 3 khoản: nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, và nợ chính quyền địa phương.

Hiện nay, còn một điểm cần tranh luận là đầu mối thống nhất quản lý nợ công hiện nay có nên để như trước đây hay không khi cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN cùng tham gia.

Ngọc Linh