Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh, đến thời điểm này, toàn huyện có 7.104 ha/8.114 ha điều bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại; trong đó, có 3.090 ha bị nhiễm bệnh từ 50 - 70%, 4.790 ha bị gây hại nặng trên 70% và 234 ha bị cháy khô, không có khả năng hồi phục và trải đều ở 11/11 xã, thị trấn có cây điều bị sâu bệnh tấn công. Ước tính, thiệt hại khoảng 166 tỷ đồng.
Những vườn rau của nông dân đang lụi dần
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh khẳng định, mùa vụ năm nay, hàng ngàn nông dân trồng điều trên địa bàn rất lo lắng trước một mùa vụ thất bát, bà con tích cực triển khai mọi biện pháp phòng trừ sâu bệnh để cứu cây điều khỏi chết; năng suất cây điều vụ năm nay coi như mất trắng. Huyện Đạ Tẻh bị thiệt hại, ước tính khoảng 4.162 tấn, vào khoảng 166 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cát Tiên cho biết, từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng của huyện đã tìm mọi biện pháp để cứu chữa cây điều, nhưng hiệu quả mang lại không cao, toàn huyện đã có trên 80% diện tích điều mắc bệnh.
Ông Lê Hồng Kha (tổ Thánh Mẫu, phường 7, TP. Đà Lạt) nhổ bỏ phần diện tích rau mắt bệnh
Trong khi đó, một cán bộ chuyên môn, Phòng NN&PTNT huyện này “tiết lộ”: “Bệnh trên cây điều thì chúng tôi biết rất rõ rồi, nhưng lại chưa có thuốc đặc trị tận gốc căn bệnh, khiến cho không chỉ người trồng điều nản lòng, mà ngay cả cơ quan chuyên môn cũng mệt mỏi...”.
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng: “Thiệt hại do bọ xít muỗi trên cây điều ở địa bàn tỉnh, ước tính lên tới con số 400 tỷ đồng. Bọ xít muỗi còn gây hại trên một số cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... Tổng diện tích điều bị thiệt hại 29.245 ha, trong đó 18.120 ha nhiễm nặng”.
Vườn cà chua của nông dân đang thời kỳ đơm hoa - kết trái bổng dưng xoắn lá rụi dần
Trong khi đó, trước hiện tượng “bệnh lạ” tấn công cây rau, hoa, cà chua, bà Nguyễn Thị Tuyết, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đưa ra giải pháp là nhổ bỏ: “Dịch bệnh này, do một loại virus gây ra, ban đầu lá biến dạng nhỏ, lốm đốm vàng, sau đó khô dần, phần thân cây bị nhiễm bệnh có màu nâu đen, khô và thối biểu bì.
Dịch bệnh đốm héo trên cây hoa cúc vẫn đang có xu hướng gia tăng, nhất là trên các loại giống cúc đóa, saphir, kim cương trắng, xanh thái và vàng thái. Để tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng, cần nhổ bỏ và tiêu hủy toàn bộ diện tích đã nhiễm bệnh, chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác họ”, bà Tuyết nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã nắm được thực trạng dịch bệnh xảy ra trên cây trồng tại các địa phương trong tỉnh.
“Chúng tôi đang triển khai các biện pháp ngăn chặn thiệt hại, bảo vệ cây cho sang năm ra quả. Tinh thần là cứu được cây nào hay cây đấy. Chúng tôi đang chỉ đạo các xã tiến hành thống kê thiệt hại và báo cáo lên sở. Sau đó, sở sẽ đề xuất tỉnh mức hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”, ông Sơn nêu.
Cao Diên