“Bệnh lạ” xuất hiện, nông dân không kịp trở tay!

Ông Nguyễn Văn Lợi, tổ trưởng Tổ Thánh Mẫu 2, cho biết, cây xà lách cô rôn được nông dân canh tác hàng chục năm qua, nhiều người còn ví von là loại “cây xóa đói giảm nghèo” vì dễ canh tác, gần như không có sâu bệnh, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vậy nhưng, chỉ trong vòng 1 tháng nay, các vườn cô rôn tại khu vực Thánh Mẫu và Đất Mới này đều bị hiện tượng héo vàng rồi chết dần, không rõ nguyên nhân, đây là lần đầu nông dân gặp tình cảnh này.

Nông dân mất mùa vì dịch bệnh (Lâm Đồng) - Bài 2: Ngậm ngùi nhổ bỏ... - Hình 1

Nông dân Đà Lạt ngậm ngùi nhổ bỏ vườn hoa

Ông Lê Hồng Kha (tổ Thánh Mẫu, P. 7 (TP. Đà Lạt) cho biết, gia đình xuống giống 2 sào (2.000 m²) xà lách được vài tuần thì thấy hiện tượng vàng lá và cây phát triển rất chậm nên đành nhổ bỏ, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.

Ông Trần Duy Tài (tổ Thánh Mẫu, P. 7) xuống giống 1 sào cô rôn được vài tuần thì thấy hiện tượng vàng lá và cây phát triển rất chậm nên đành nhổ bỏ, mua cây giống khác trồng; thế nhưng, sau 3 tuần vườn rau lại úa vàng và thiệt hại khoảng 70%.

Ông Đỗ Đức Thuyết, đường Thánh Mẫu, P. 7, có 1.500 m2 rau cô rôn đã sắp cho thu hoạch. Cách đây khoảng 10 ngày, vườn rau đang tươi xanh bỗng chết hàng loạt.

Nhiều diện tích cô rôn tại khu vực Đất Mới cũng cảnh tương tự, trong đó mật độ cây bị nhiễm bệnh rất cao (từ 30 - 50% diện tích cây trồng). Theo quan sát bằng mắt thường, diện tích cô rôn bị nhiễm bệnh đều có các biểu hiện cây chuyển vàng, lùn, không phát triển, cháy lá và héo rủ…

Nhiều diện tích hoa cúc trên địa bàn TP. Đà Lạt, nhất là cúc đại đóa cũng chung tình trạng, nhiều nông hộ đã thất thu (bình quân mỗi sào thiệt hại từ 20 - 25 triệu đồng) vì phải nhổ bỏ.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ P. 8 (TP. Đà Lạt) buồn bã ra vườn nhổ bỏ phần diện tích hoa cúc mắc bệnh còn lại với khoảng 1.000 m2. Trước đó, vợ chồng anh cũng đã phải nhổ bỏ khoảng 2.000 m2 hoa cúc sắp được thu hoạch.

Một số nhà vườn tại Đà Lạt cho biết, đây là căn bệnh lạ, các gia đình có diện tích rau, hoa mắc bệnh vẫn chưa xác định được nguyên nhân cũng như biện pháp phòng trừ.

Theo anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ P. 8 (TP. Đà Lạt): “Gia đình áp dụng mọi khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng một số thuốc để phòng ngừa của ngành chức năng, nhưng các biện pháp này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả. Nông dân chúng tôi vẫn mong các nhà khoa học, các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để giúp ngăn ngừa những virus lạ gây hại trên các loại cây trồng”.

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ hoa màu!

Theo thống kê của UBND P. 7 (TP. Đà Lạt), tại địa bàn có khoảng 50 ha canh tác xà lách cô rôn, trong đó gần 80% diện tích bị bệnh lạ gây thất thu lớn cho nông dân. Tại các P. 8, P. 11, nhiều nông hộ cũng lâm cảnh tương tự, phải nhổ bỏ.

Nông dân mất mùa vì dịch bệnh (Lâm Đồng) - Bài 2: Ngậm ngùi nhổ bỏ... - Hình 2

Bệnh lạ” xuất hiện, nông dân không kịp trở tay

Anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ P. 8, cho biết, triệu chứng bệnh bắt đầu là xuất hiện các sọc màu đen ở thân cây, khi bị nặng thì đen cả đoạn thân cây, khô và thối biểu bì, các lá ngọn nhỏ lại, méo mó, lốm đốm vàng, một thời gian ngắn sau, cây chết. Do không thể cứu vãn nên vợ chồng anh phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích hoa cúc này để xử lý đất chuyển sang trồng loại hoa màu khác, chấp nhận một vụ hoa mất trắng.  

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đến nay địa phương có 100 ha hoa nhiễm bệnh, trong đó 80 ha nhiễm nặng. Đặc biệt, loại bệnh này gây hại nặng trên giống cúc đóa và rải rác trên các giống cúc saphir, kim cương trắng, xanh Thái, vàng Thái…

Không chỉ nông dân trồng rau, hoa mới bị dịch bệnh “tấn công”, người dân trồng cà chua tại Lâm Đồng cũng đang “lâm nguy”. Trao đổi với chúng tôi, ngày 15/6, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh hiện có 576 ha cà chua nhiễm bệnh xoăn lá virus, tập trung chủ yếu tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà.

“Vườn cây bị nhiễm bệnh xoăn lá virus sớm sẽ không có trái, còn nhiễm muộn cũng giảm tới 70% năng suất, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân. Nếu trước kia năng suất 50 tấn/ha thì nay, chỉ còn khoảng 15 tấn”, ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, Lâm Đồng là địa phương chiếm 33% diện tích và 50% sản lượng cà chua cả nước, nhưng do bệnh virus hoành hành, lại chưa có thuốc đặc trị nên diện tích cà chua của tỉnh đang giảm rất mạnh, chỉ còn khoảng dưới 2.000 ha.

Kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho thấy, bệnh xoăn lá virus, chủ yếu xuất phát từ các vườn ươm, khi cả hạt giống và gốc ghép đều nhiễm virus, thậm chí nhiều vườn ươm bị nhiễm virus đến 75%. Ngoài ra, các loại cây họ cà như cà tím, ớt cay… cũng bị nhiễm xoăn lá virus, nhưng mức độ gây hại thấp hơn nên người trồng chủ quan, từ đó lại thêm nguồn lây lan.

Cao Diên