Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trước khi diễn ra Hội nghị tín dụng với bất động sản sáng 08/02, thì ngày 06/02, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về tình hình cho vay bất động sản.
![Ảnh internet Ảnh internet](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/02/08/collage-1640675228936567704694-1675817685.png)
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tại cuộc họp sáng 08/02, ông đại diện Bộ Xây dựng tham gia phát biểu với hàng loạt kiến nghị liên quan vốn cho thị trường bất động sản.
Đánh giá về "sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản", ông Sinh cho rằng, doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn về vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng khiến một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản lao động, nhà thầu phải dừng thi công…
Theo ông Sinh, thị trường bất động sản khó khăn cũng khiến một số lĩnh vực khác như nguyên vật liệu, trang trí nội ngoại thất bị ảnh hưởng theo.
Vì thế, Bộ Xây dựng đề nghị xem xét phương án điều hành room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thông tin: “Tôi tham dự và đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp nêu ra tại cuộc họp. Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản chờ đợi cuộc họp này từ đầu năm 2023.
Tôi cho rằng, thị trường bất động sản thời điểm này cần có vốn cho các dự án cần thiết của xã hội, dự án quan trọng với nhu cầu tối thiểu của người dân. Vì vậy, từ doanh nghiệp cho đến người dân chờ ngân hàng mở room tín dụng mới”.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành phân tích, bất động sản là câu chuyện dòng tiền rất lớn gắn chặt với thị trường tài chính, hệ thống tài chính ngân hàng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần thúc đẩy cả thị trường tài chính và bất động sản.
Theo ông Thành, Nhà nước cần tạo dựng lại lòng tin khi nguy cơ thị trường đóng băng và minh bạch các vấn đề pháp lý liên quan đến tài chính, tiền tệ. Nếu xử lý được hai vấn đề trên sẽ giải quyết được mối quan hệ giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, dòng tiền bất động sản mới dịch chuyển một cách bình thường.
Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Với thị trường bất động sản, trong năm 2023, nhiều nhà kinh doanh bất động sản với tiềm lực tài chính tốt đang tiếp tục quan sát, chờ đợi. Trong khi đó, các nhà phát hành bất động sản có thể bồn chồn vì món nợ ngân hàng, trái phiếu đang đè nặng trên vai, thậm chí đẩy họ đối diện với tình hình vỡ nợ. Vị chuyên gia dự đoán, thị trường bất động sản sẽ hồi phục khi Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bằng các giải pháp liên quan đến vốn tín dụng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thể hiện, đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản lên đến gần 800.000 tỷ đồng. Con số này tại thời điểm cuối năm 2021 là khoảng 700.000 tỷ đồng.
Thạch Thảo (t/h)