Trong cuộc điều tra thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang tỏ ra khá lạc quan về thanh khoản trong năm tới. Theo đó, các nhà băng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay sẽ tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024.
Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024. Đồng thời, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024.
Theo khảo sát của phóng viên, tính đến hết ngày 18/01, đã có tới hơn 20 ngân hàng thương mại thay đổi biểu lãi suất kể từ đầu năm. Đáng kể nhất là toàn bộ 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, chiếm tới hơn 50% thị phần huy động vốn và cho vay toàn hệ thống đều đồng loạt giảm.
Ngân hàng Vietcombank là ngân hàng có tần suất và mức độ giảm lãi suất mạnh nhất thời gian qua. Tính đến thời điểm này, lãi suất tối đa tại Vietcombank chỉ còn 4,7%/năm, áp dụng cho toàn bộ các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ba ngân hàng BIDV, VietinBank, Agribank có mức lãi suất cao nhất vẫn giữ tại 5,3%/năm, tuy nhiên chỉ còn áp dụng cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Kỳ hạn 12 tháng đến dưới 24 tháng, người gửi tiền cũng chỉ còn được hưởng lãi 5%/năm (thay vì 5,3%/năm) như trước đó.
Đối với kỳ hạn 01 – 02 tháng, tại big4, lãi suất chỉ còn xoay quanh 1,7%/năm; 03 – 05 tháng là 2 – 22%/năm. Với kỳ hạn 06 – 09 tháng, nhóm 04 ngân hàng này cũng chỉ duy trì ở mức 3 - 3,2%/năm.
Không chỉ riêng nhóm big4, gần 20 nhà băng khác cũng giảm lãi suất kể từ cuối 2023 đầu 2024. Trong đó, nhiều ngân hàng điều chỉnh mạnh từ 0,5 – 1% lãi suất đối với các tiền gửi có kỳ hạn ngắn như: Techcombank, MSB, SeABank, OCB, LPBank, Oceanbank...
Khảo sát của Phóng viên cho thấy, phổ lãi suất phổ biến cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng chỉ còn dao động trong khoảng 5 – 5,7%/năm. Đáng nói, không ít nhà băng quy mô lớn đã hạ xuống dưới mức này như Vietcombank (4,7%/năm), MB (4,8%/năm), Techcombank (4,8 – 4,9%/năm), ACB thậm chí còn chỉ trả lãi ở mức 4,6 – 4,7%%/năm...
Ngoài ra, hàng loạt cái tên khác cũng duy trì mức lãi dưới 5%/năm ở kỳ hạn này như: TPBank, MSB, OCB, SCB, VIB, ABBank.
Với kỳ hạn dài 15-24 tháng, cũng chỉ còn rất ít ngân hàng trả mức lãi trên 6%/năm, như: SHB, NamABank, HDBank, LPBank, PGBank…
Dù lãi suất giảm nhưng tiền gửi hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao kỷ lục. Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động tiền gửi năm 2023 đã tăng 14% so với năm 2022, đạt 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Minh An(t/h)