THCLCuối năm là thời điểm mà thị trường tiêu thụ nước giải khát tăng mạnh, là cơ hội để các loại sản phẩm kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh dễ dàng len lỏi. Người tiêu dùng cần cảnh giác khi lựa chọn các mặt hàng nước giải khát bởi thực trạng “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường hiện nay.
Khó kiểm soát thị trường
Đồ uống đóng vai trò không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội, mọi người uống để chúc tụng nhau, ăn mừng; thêm vào đó, đồ uống còn là một món quà biếu lý tưởng. Nghiên cứu cho thấy giai đoạn một, hai tháng trước Tết là thời điểm hàng hóa được tiêu thụ nhiều nhất, trong đó, nước giải khát là một trong những mặt hàng đóng góp tới 63% doanh thu dịp Tết.
Mùa mua sắm Tết cũng thể hiện rõ hơn bao giờ hết tâm lý người mua hàng ngày càng chuộng nước trái cây hơn so với nước có ga. Gần đây, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm đồ uống từ thiên nhiên, thanh lọc, tốt cho sức khỏe do có rất nhiều nghiên cứu khoa học được công bố, cáo buộc tác động gây béo phì và ung thư từ nước có ga. Nắm bắt được sự thay đổi đó, các hãng sản xuất đã cho ra mắt hàng loạt các dòng sản phẩm nước trái cây nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới của người dân.
Về mặt hàng nước giải khát, nhiều loại sản phẩm, chủng loại đa dạng như: nước ngọt có gas, nước ngọt không có gas, nước trái cây, nước uống tăng lực, nước tinh lọc và nước khoáng… Có lẽ, chưa khi nào người ta lại thấy trên thị trường xuất hiện quá nhiều những loại nước uống, nước giải khát như bây giờ khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”.
Theo một thói quen, người tiêu dùng rất ít khi để ý đến các thông số liên quan đến nước giải khát đặc biệt với một số nhãn hàng nước giải khát quen thuộc trên thị trường hiện nay. Đây chính là điều bất cập tạo điều kiện cho các loại nước không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trà trộn, len lỏi vào thị trường.
Lợi dụng sự phát triển đa dạng của thị trường nước giải khát trong mùa lễ Tết, rất nhiều các nhà sản xuất tư nhân, nhỏ lẻ hay thậm chí cả các hãng lớn đã tranh thủ thời cơ kiếm lợi nhuận mà tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, nhiều độc tố gây hại.
Thậm chí cả những loại nước giải khát đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng khi điều tra thực tế lại cho ra kết quả ngược lại. Điều này phản ánh sự hỗn tạp về chất lượng các sản phẩm nước giải khát đang hàng ngày được bày bán ngoài thị trường. Thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng cần trở nên cảnh giác hơn, thận trọng hơn, thông minh hơn trong việc lựa chọn cho mình những sản phẩm nước giải khát.
Một kết quả khảo sát mới đây về VSATTP của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng cho thấy, nước giải khát đóng chai trên thị trường hiện nay chưa đảm bảo về chất lượng theo quy chuẩn.
Năm 2016, kết quả khảo sát 19 mẫu các loại nước giải khát cho thấy nước giải khát đóng trai trên thị trường hiện nay, chủ yếu vi phạm về nhãn hàng hóa. Một số loại nước giải khát đóng chai vi phạm về chất lượng theo QCVN.
Giải pháp cho người tiêu dùng
Nhằm hạn chế tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, trong suốt thời gian qua, các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, dừng lưu thông, thu hồi sản phẩm không đảm bảo.
Mới đây nhất, ngày 18/11, Chi cục ATTP Lào Cai đã ra thông báo về việc dừng lưu thông sản phẩm không đảm bảo ATTP.
Thông báo căn cứ văn bản thông báo số 7249/TB-ATTP ngày 11/11/2016 về việc tạm dừng lưu thông hàng hóa của Cục An toàn thực phẩm. Theo đó, Cục đã yêu cầu Công ty CP thương mại Tân Tiến Phát có trách nhiệm dừng lưu thông và tiến hành thu hồi 06 lô sản phẩm vì lý do: lô sản phẩm có kết quả kiểm nghiệm không đạt chất lượng.
Một số sản phẩm của Công ty Tân Tiến Phát bị dừng lưu thông do không đạt tiêu chuẩn theo quy định
Cụ thể, đó là Lô sản phẩm nước me (NSX: 29/8/2016 TTP; HSD: 29/02/2018); Lô sản phẩm nước giải khát hương Bí Đao (NSX: 10/9/2016 TTP; HSD: 10/3/2018); Lô sản phẩm nước giải khát hương cam (NSX: 31/8/2016 TTP; HSD: 09/02/2018); Lô sản phẩm nước chanh leo (NSX 12/9/2016 TTP; NSX: 12/9/2017); Lô sản phẩm nước giải khát hương tăng lực nắp đỏ (NSX: 11/9/2016 TTP; HSD: 11/3/2018); Lô sản phẩm nước giải khát hương tăng lực nắp trắng (NSX: 12/9/2016 TTP; HSD: 12/3/2018).
Để đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, Chi cục ATTP Lào Cai nhấn mạnh: “Người tiêu dùng khi mua cần kiểm tra kỹ nhãn mác hàng hóa thực phẩm. Không mua, không sử dụng các sản phẩm nước giải khát thuộc các lô sản phẩm thực phẩm nói trên”.
Một số sản phẩm của Công ty Tân Tiến Phát bị dừng lưu thông do không đạt tiêu chuẩn theo quy định
Công ty CP thương mại Tân Tiến Phát (có trụ sở chính tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội). Thành lập vào năm 2005, đây là công ty chuyên sản xuất sản phẩm nước giải khát với các nhãn hiệu: nước tăng lực, nước bí đao, nước me, nước cam, nước chanh leo…
Được biết, năm 2009, Công ty này từng bị phát hiện sử dụng chất phụ gia bị cấm sử dụng là đường Cyclamat trong mặt hàng nước tăng lực và trà bí đao. Thời điểm đó, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt và tiêu hủy 13.920 lon trà bí đao và 12.000 lon nước tăng lực của Công ty Tân Tiến Phát.
Nước giải khát nằm trong nhóm 10 mặt hàng sản xuất có điều kiện. Vì vậy, trên sản phẩm bắt buộc phải có thông tin đầy đủ theo quy định. Sản phẩm phải có thông tin về nhãn hàng hoá công bố tiêu chuẩn chất lượng, chỉ tiêu chất lượng về khoáng, hàm lượng dinh dưỡng, vitamin; thông tin về chỉ tiêu an toàn vệ sinh không được thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố; thông tin xuất xứ nhãn hàng; đồng thời trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải có tên cơ quan y tế có chức năng cấp giấy phép để sản phẩm đảm bảo tính pháp lý khi lưu thông, lưu hành trên thị trường...
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng của các mặt hàng nước giải khát vẫn còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng nước giải khát “bẩn” trôi nổi trên thị trường như hiện nay, người tiêu dùng khi mua hàng nên kiểm tra kỹ nhãn mác hàng hóa thực phẩm xem có ghi đầy đủ: tên hàng hóa, tên cơ sở, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng cũng như thành phần định lượng, thông tin cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng sử dụng, hướng bảo quản. Tuyệt đối không mua và sử dụng những sản phẩm nước giải khát đóng chai không có nguồn gốc rõ ràng”.
T.Bình