Theo quy định hiện hành, việc nhập khẩu ô tô đơn lẻ với mục đích thương mại là bất khả thi, do lĩnh vực ô tô nhập khẩu là ngành kinh doanh có điều kiện đi kèm với các quy định rất chặt chẽ. Vì thế, tổ chức hoặc cá nhân không thể nhập xe hơi về như hàng hóa thông thường.
Cụ thể, 2 điều kiện quan trọng nhất để được nhập khẩu ô tô được quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP là: thứ nhất, để được nhập khẩu ô tô, đơn vị, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định về cơ sở bảo hành bảo dưỡng. Thứ hai, đơn vị nhập khẩu phải được ủy quyền của nhà sản xuất gốc (OEM) thực hiện lệnh triệu hồi ô tô ở Việt Nam.
Đây là các điều kiện kỹ thuật mà theo đánh giá, chỉ có các nhà sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô chính hãng mới thực hiện được.
Xe nhập khẩu theo diện quà biếu tặng là một nội dung có trong quy định hiện hành. Cụ thể khoản 3, Điều 3, Thông tư số 143/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Đối tượng nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng thì trong 01 (một) năm, mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu 01 xe ô tô và 01 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng”.
Năm 2019 cả nước có khoảng 500 ô tô biếu, tặng nhập về Việt Nam. Năm 2020 khoảng 300 xe được nhập theo diện này. Riêng năm 2021 dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng các đối tác nước ngoài "tặng" các doanh nghiệp Việt Nam gần 1.000 ô tô, chủ yếu là xe sang, siêu sang, thậm chí có cả mẫu xe là phiên bản độc nhất vô nhị.
Công thức tính thông thường như sau: Giá niêm yết bán = Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt + Thuế GTGT + Thuế TNDN + Chi phí bảo hành triệu hồi; một chiếc xe Mercedes G63 đời 2022 bản tiêu chuẩn có giá niêm yết khoảng 160.000 USD (xấp xỉ 3,68 tỷ đồng), khi về Việt Nam bằng đường chính ngạch sẽ có giá niêm yết khoảng 12,5 tỷ đồng. Cũng là chiếc xe này, ngày 23/05/2022 một đại lý tư nhân ở Mỹ Đình (TP. Hà Nội) niêm yết giá 10,95 tỷ đồng.
Các mẫu xe Mercedes GLS450, G63, GLS600... được các đơn vị nhập khẩu tư nhân theo dạng biếu, tặng khai mức giá từ 20.000 USD đến 30.000 USD/chiếc (460 triệu đến gần 700 triệu đồng). Tại cửa khẩu thì lại là từ 70.000 USD đến 135.000 USD/chiếc tùy theo model (1,6 tỷ đồng đến 3,1 tỷ đồng), mức chênh từ 1,1 tỷ đồng đến 2,4 tỷ đồng/chiếc.
Xe hiệu Lexus bao gồm nhiều model khác nhau, như: LX570, LX500, RX350...; mức giá khai báo của doanh nghiệp từ 15.000 - 30.000USD/chiếc. Mức giá được cơ quan Hải quan kiểm tra và xác định từ 50.000 đến trên 87.000 USD/chiếc tùy vào model (tương đương khoảng 1,15 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng), chênh giá khai báo từ 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng/chiếc
Mặt hàng xe Range Rover bao gồm nhiều model khác nhau (Lr400, SV Autobiography...), mức giá khai báo của doanh nghiệp 20.000 - 40.000USD/chiếc. Mức giá được cơ quan Hải quan kiểm tra và xác định từ 114.000 đến 130.000USD/chiếc, tùy model... (tương đương hơn 2,6 đến gần 3 tỷ đồng), mức chênh giá từ 2,14 tỷ đồng đến gần 2 tỷ đồng/chiếc.
Ông Ngọc, một chuyên gia về xe phân tích cho PV: "Một điểm khó cho các nhà phân phối chính hãng, là muốn nhập xe sang phải có số lượng đơn hàng đủ lớn, kèm theo các quy định đặt cọc và giao hàng chi tiết theo từng quý. Tóm lại quy trình như một nhà bán buôn giao kèo với nhà sản xuất. Trong khi những chiếc xe giá trên chục tỷ đồng chỉ nhắm đến vài vị khách hàng nhiều tiền. Đây là lý do khiến xe sang, siêu sang xuất hiện ở trong nước với dang biếu, tặng."
Hải quan khẳng định, vụ nhập siêu xe biếu, tặng "không gây thất thu thuế"!
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, qua quá trình rà soát trị giá hải quan đối với xe nhập khẩu diện quà biếu, tặng từ 01/01/2021 hết quý I/2022, trong hơn 1.013 chiếc, doanh nghiệp kê khai trị giá tính thuế chỉ 3.302 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định, cơ quan hải quan xác định lại giá trị là 4.745 tỷ đồng, tổng số tiền chênh lệch là 1.443 tỷ đồng nộp về cho ngân sách Nhà nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 xe nhập khẩu diện biếu tặng về Việt Nam đạt 1.064 chiếc, năm 2017 là hơn 980 chiếc, năm 2018 là hơn 260 chiếc, năm 2019 là 213 chiếc, năm 2020 là hơn 480 chiếc và năm 2021 tăng vọt trên 795 chiếc. Năm tháng đầu năm 2022 là hơn 160 chiếc.
Số thuế thu được tương ứng các năm, năm 2016 là hơn 2.300 tỷ đồng, năm 2017 là 298 tỷ đồng, năm 2018 là hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2019 là 1.800 tỷ đồng, năm 2020 là hơn 1.700 tỷ đồng và năm 2021 là hơn 4.100 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2022, số thuế thu được của loại hình xe này là hơn 1.200 tỷ đồng.
Ông Âu Anh Tuấn khẳng định, đối với xe ô tô nhập khẩu dưới dạng quà biếu, tặng mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian vừa qua, cơ quan Hải quan đã thực hiện thủ tục theo đúng quy định hiện hành và thu đủ các loại thuế theo quy định. Đồng thời, cơ quan Hải quan gửi hồ sơ liên quan đến cơ quan thuế nội địa để thực hiện việc thu thuế thu nhập bất thường. Sau khi rà soát các nghĩa vụ về thuế, số xe nhập diện quà biếu tặng không gây thất thu thuế cho Nhà nước. Sau khi rà soát trị giá hải quan, cơ quan hải quan đã tăng thu thêm hàng nghìn tỷ đồng so với giá khai tính thuế của doanh nghiệp.
“Chúng tôi khẳng định không có hành vi gian lận, trốn thuế trong các trường hợp này”, ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chênh 1.443 tỷ đồng tiền thuế
Thông tin thêm về số thuế thu được đối với ô tô nhập khẩu xe diện quà biếu, quà tặng, ông Trần Bằng Toàn, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan trao đổi ở cuộc họp báo, từ 01/01/2021 đến hết quý I năm nay, tổng số xe nhập 1.013 chiếc. Tổng số tiền thuế tính trên giá mà doanh nghiệp kê khai là 3.302 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cơ quan Hải quan xác định lại giá thì tổng số thuế thu được 4.745 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm là 1.443 tỷ đồng.
Nói về giá tính thuế đối với ô tô, theo ông Toàn, cơ quan Hải quan sẽ căn cứ vào mức giá khai báo của doanh nghiệp và thông tin của cơ quan đăng kiểm. Trường hợp có chênh lệch về trị giá xe thì cơ quan Hải quan sẽ làm việc với doanh nghiệp để thu đủ số thuế vào ngân sách.
Trước thông tin phản ánh của báo chí về việc một số dấu hiệu vi phạm trong việc nhập khẩu xe theo diện quà biếu, tặng, ông Âu Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở nắm thông tin, hải quan đã kiểm tra, thanh tra 04 cục hải quan có số xe nhập khẩu theo dạng quà biếu, tặng được cấp phép lớn.
Theo kết quả thanh tra ban đầu, đã phát hiện một số dấu hiệu như báo chí phản ánh. Theo đó, khi có kết luận thanh kiểm tra cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh. Về địa chỉ ma - Cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để xác minh doanh nghiệp.
Còn đối với hoạt động nhập khẩu, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, nếu trường hợp nào muốn nhập khẩu xe ô tô dưới dạng quà biếu, tặng thì phải đáp ứng được các thủ tục trong hồ sơ nhập khẩu theo Thông tư 143/2015/TT-BTC ngày 11/09/2015.
“Nếu hồ sơ không đầy đủ, chi tiết thì chúng tôi từ chối cho nhập khẩu. Đơn vị nhập khẩu phải có mối quan hệ kinh doanh, tư vấn, hợp đồng hay chứng từ chứng minh hai bên cho, biếu, tặng cho nhau. Nếu nghi ngờ thì cần phải xác minh. Nếu có dấu hiệu mượn tên, mượn chứng minh thư thì cơ quan hải quan sẽ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Còn quan điểm của Tổng cục Hải quan là đã chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, thanh tra đối với việc nhập khẩu xe theo diện quà biếu, quà tặng. Nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm”, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan khẳng định.
Ông Âu Anh Tuấn cũng cho biết thêm, hiện, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính đang đề xuất bãi bỏ việc cấp phép xe ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại theo Thông tư 143. Việc quản lý, cấp phép sẽ trả về cho Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải theo đúng chức năng và thẩm quyền quản lý.
Theo ông Âu Anh Tuấn, trước khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP được ban hành, thì việc nhập khẩu xe dưới dạng quà biếu tặng cũng không bị điều chỉnh bởi các điều kiện quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT 12/05/2011 của Bộ Công Thương bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Nhóm PV
(Còn nữa)