THCL - “Donald Trump từng nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc thông minh hơn nhà lãnh đạo Mỹ. Về điểm này, ông ấy đã đúng”. Đó là kết luận của Bloomberg trong bài phân tích đăng ngày 10.11.2016. Hãng tin Mỹ cho rằng Hoa Kỳ đã thất bại trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và từ đó mất đi vị thế của mình trên bàn cờ chính trị thế giới.
Tập Cận Bình đã thắng Obama trong một thế trận khó thể đảo ngược - Ảnh: The Telegrap
Theo Bloomberg thì chiến thắng lớn của Trump có thể là một lời cảnh báo nghiêm khắc với Trung Quốc. Bởi lẽ sau khi lên án Trung Quốc là đồ lừa đảo, ăn cắp công ăn việc làm của người Mỹ, chắc chắn Washington sẽ cứng rắn hơn nhiều trong quan hệ kinh tế thương mại, kinh tế tài chính và các vấn đề kinh tế khác với Trung Quốc.
Chương trình hành động của chính quyền Trump sẽ gây ra những xáo trộn trong ngắn hạn cho quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ chào đón Tổng thống Trump như một người mang lại cảm hứng cho họ trong việc tạo ra những công cụ tốt nhất để Trung Quốc khai thác tối đa lợi ích từ Mỹ.
Theo quan điểm của hãng tin Mỹ thì người tiền nhiệm đã để lại cho chính phủ Trump một di sản không lấy gì đáng tự hào trong quan hệ Mỹ - Trung. Obama đã khiến cho nước Mỹ đang đi sau Trung Quốc một bước trong đối trọng chiến lược Mỹ - Trung.
Obama luôn việt vị trước những nước đi của Tập Cận Bình
Năm 2012, khi ông Tập Cận Bình được bầu làm lãnh đạo Trung Quốc thì ông Obama cũng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và tái nhiệm nhiệm kỳ 2, từ đó hình thành cuộc đối đầu Tập Cận Bình – Obama và cũng định hình cho quan hệ Trung – Mỹ trong thời kỳ mới. Thế lưỡng cực Trung – Mỹ thành hình, được tạo hình bởi những nước cờ của hai nhà lãnh đạo.
Khi nhận diện sự nguy hại bởi sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ từ Trung Hoa đại lục, Tổng thống Obama đã quyết định xoay trục chiến lược đối ngoại của Mỹ từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á – Thái Bình Dương, từ đó tạo ra bước ngoặt trong xung đột lợi ích Mỹ -Trung, khởi nguồn cho cạnh tranh trong ngoại giao nước lớn tại khu vực chiến lược này.
Để đảm bảo việc xoay trục thành công cũng như ngăn cản Bắc Kinh có thể vận dụng những quy tắc bất bình đẳng trong sân chơi của kinh tế toàn cầu, qua đó đưa kinh tế Trung Quốc thống lĩnh kinh tế thế giới, Obama kích hoạt TPP, gạt Bắc Kinh ra ngoài hiệp định thương mại thế kỷ này. Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã có những bước đi chuẩn xác làm hỏng chiến lược của Obama.
Khi Washington xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương thì Bắc Kinh đã nhanh chóng kết nối với những đồng minh cũ của Mỹ, đưa Washington rơi vào thế đối mặt với đối thủ nhưng không thể tựa lưng vào các đồng minh. Lần đầu tiên trong lịch sử, Washington đã phải nhường việc thao túng giá dầu thô cho Bắc Kinh và mất dần chỗ đứng tại Trung Đông khói lửa.
Khi những đồng minh chiến lược của Washington bên bờ đông Đại Tây Dương ngày càng thể hiện sự thất vọng với kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” của Washington khi Obama xoay về trục mới, Bắc Kinh đã nhanh chóng xuất hiện thế chỗ của Washington. Việc xây dựng mối quan hệ vàng Bắc Kinh – London như bắn một mũi tên trúng luôn hai đích Mỹ và EU. Khi Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thì việc Bắc Kinh “tách đôi” quan hệ Brussels - Washington trở nên rất dễ dàng.
Đặc biệt, khi Obama trừng phạt Putin trong ván cờ Ukraine bằng áp cấm vận Nga, vô tình đã đẩy Moscow nghiêng hẳn về Bắc Kinh. Obama đã tặng cho Tập Cận Bình món quà vô giá và liên minh Nga – Trung đang ngày càng thách thức Mỹ, đưa Mỹ vào thế bị động trên nhiều mặt trận với hai chiến tuyến là thế lưỡng cực Mỹ - Trung và chiến tranh lạnh Nga – phương Tây.
Khi Obama gạt Bắc Kinh ra ngoài TPP thì Tập Cận Bình đã cho thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm khai thác lợi ích từ TPP ngay khi nó vận hành. Không những vậy, Bắc Kinh còn tác động để IMF có nghị quyết đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ quốc tế, đảm bảo lợi ích của Trung Quốc trước Mỹ, dù TPP chết hay sống lắt lay.
Có thể thấy rằng, Obama đã việt vị trước hàng loạt những nước đi của Tập Cận Bình. TPP, chiến lược cuộc đời của Obama đang có nguy cơ chết yểu, bởi hoặc phải tái khởi động lại, hoặc vận hành với công thức TPP-1 (TPP-Mỹ), thậm chí là TPP-1+2 (TPP-Mỹ+Trung Quốc+Nga) – điều đó càng cho thấy Tập Cận Bình đã chiến thắng Obama trong thế trận không thể đảo ngược.
Nước Mỹ của ngày hôm nay đang phải đối phó với một Trung Quốc của ngày hôm qua
Theo Bloomberg, hiện Trung Quốc cần người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ hàng xuất khẩu của Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc tìm kiếm đầu tư và công nghệ Mỹ. Do vậy, những công cụ mà Trump đe dọa sẽ sử dụng chống lại Trung Quốc như tăng thuế, đàm phán lại thỏa thuận thương mại, ngăn chặn thao túng tiền tệ chỉ có tác dụng ngăn đà tăng trưởng của Trung Quốc.
Những biện pháp Trump đe doạ trừng phạt Trung Quốc
bị xem là gây thiệt hại cho Mỹ nhiềuhơn cho đối phương - Ảnh: CNN
Song Trung Quốc đang thực hiện tái cơ cấu, chủ động giảm đà tăng trưởng, cùng với đó là chi phí gia tăng khiến doanh nghiệp Trung Quốc đang mất nhiều việc làm bởi doanh nghiệp các nước đang phát triển khác, thậm chí cả doanh nghiệp Mỹ. Do vậy, những biện pháp trừng phạt của Trump chỉ có tác hiệu trong ngắn hạn và thiệt hại của Trung Quốc không lớn như tính toán.
“Trung Quốc hôm nay không quan tâm đến dây chuyền lắp ráp quần jean hay những công nghệ rẻ tiền khác. Bắc Kinh có mục tiêu lớn hơn, mạnh bạo hơn. Một chiến lược công nghiệp quốc gia mang tên "Made in China 2025" được thiết kế để thúc đẩy sản xuất tàu cao tốc công nghệ cao, thiết bị y tế, người máy và các thiết bị tiên tiến khác”, Bloomberg bình luận.
Điều đó lý giải vì sao Bắc Kinh lại “ngược đãi” doanh nghiệp nước ngoài với chính sách được cho là ít thân thiện và môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Trong bối cảnh này, chính sách của Trump có thể sẽ khiến cho chính phủ Trung Quốc gia tăng sự khắt khe với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ.
Trong khi thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ, từ Starbucks cho đến Boeing. Nếu Trung Quốc trả đũa sự trừng phạt của Trump bằng việc tạo hàng rào mậu dịch đối với thị trường tiêu dùng ngày càng giàu có này, thúc đẩy kích cầu nội địa thì các doanh nghiệp Mỹ phải trả giá rất đắt, từ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận đến cắt giảm việc làm.
Trớ trêu thay bảo bối TPP lại đang có nguy cơ chết yểu. Lợi dụng tình hình bất lợi của TPP, Trung Quốc đã thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mà Bắc Kinh đóng vai trò chủ xị, gạt Mỹ sang một bên. Khi đó "Mỹ có ít tương tác ở châu Á và đó là cơ hội cho Bắc Kinh định hình hội nhập chính trị và kinh tế khu vực theo những quy tắc của riêng mình", chuyên gia kinh tế Mark Williams của Capital Economics nhận định.
Thế là từ chỗ gạt Trung Quốc khỏi TPP để ngăn chặn sự nguy hại của Bắc Kinh, nay Washington phải đối diện với nguy cơ bị Bắc Kinh gạt khỏi châu Á và kết liễu TPP. Obama đã thất bại trước Tập Cận Bình trong việc xác lập vị thế cho Mỹ tại địa bàn mới. Còn Trump thì lại đang chiến đấu với Trung Quốc của ngày hôm qua, với hàng giá rẻ và tỷ giá tiền tệ phi lý.
Bắc Kinh thì đang theo đuổi các ngành công nghiệp của tương lai để tạo việc làm trong tương lai cho người Trung Quốc. Obama đã không giúp Washington dồn được Bắc Kinh vào thế khó, còn Trump thì lại giúp cho lợi ích Trung Quốc có thể cạnh tranh một cách mạnh mẽ với lợi ích Mỹ trong tương lai, Bloombergnhận xét.
Ngọc Việt - Motthegioi