Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Trên cơ sở mục tiêu điều hành của Chính phủ nên trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2017, NHNN đưa ra mục tiêu phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thông qua mục tiêu CSTT về tổng phương tiện thanh toán, điều hành tỷ giá hợp lý, nhưng vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng có chất lượng đảm bảo nguồn vốn vừa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hoạt động NH.
Đó là những điểm rất quan trọng để kiểm soát được lạm phát và giữ được ổn định vĩ mô. Kết quả điều hành CSTT cho thấy, lạm phát cơ bản trong suốt năm 2017 luôn duy trì được trong biên độ từ 1,4 - 1,6%. Điều này, rõ ràng cho thấy các giải pháp điều hành CSTT đã thể hiện sự hiệu quả.
Chính sách tiền tệ đóng vai trò then chốt trong ổn định kinh tế vĩ mô
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, năm 2017, đã đạt được những kết quả tích cực: Thị trường ngoại tệ thông suốt, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá được giữ ổn định và linh hoạt theo diễn biến thị trường. Qua đó, đã khơi thông được nguồn ngoại tệ rất lớn trong nền kinh tế để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh và giải quyết được tâm lý găm giữ ngoại tệ tồn tại bấy lâu nay. Thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt nên Việt Nam đã mua được lượng ngoại tệ rất lớn.
Đối với điều hành lãi suất, trong bối cảnh phải thực hiện tiết giảm chi phí cho DN và nền kinh tế, ngành NH đã giữ ổn định và giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5 - 1%.
Đáng chú ý, NHNN đã điều hành chính sách tín dụng vừa đưa dòng vốn vào hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngay từ đầu năm 2017, NHNN đã chỉ đạo tới các TCTD phải tập trung tín dụng vào những lĩnh vực thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tín dụng đã tăng đều trong suốt năm 2017, chứ không dồn vào cuối năm như nhiều năm trước đây. Điều này cho thấy nền kinh tế đã có những kết quả khi tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý và có chất lượng tốt hơn.
Những kết quả năm 2017 là tổng mức tăng trưởng tín dụng ở mức xấp xỉ 19%, nhưng cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch rất rõ nét theo hướng tăng cường chất lượng và an toàn. Trong đó, tín dụng tăng trưởng rất mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với mức tăng trên 22%; tín dụng trong lĩnh vực chế biến chế tạo cũng tăng cao hơn mức 22%; tín dụng cho lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng khá, tín dụng xuất khẩu cao hơn mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Những con số trên cho thấy chất lượng tín dụng đã được đảm bảo đưa vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Trong công tác điều hành, NHNN thường xuyên cảnh báo những TCTD mà có tập trung tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Qua công tác điều hành tín dụng và tăng cường công tác thanh tra giám sát, cảnh báo sớm đã góp phần làm cho tổng mức tín dụng năm nay tăng trưởng ở mức phù hợp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhưng kiểm soát được an toàn và hiệu quả.
Năm 2018, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng đồng bộ, linh hoạt, chủ động các công cụ CSTT như lãi suất, tỷ giá, tín dụng để đảm bảo mục tiêu đề ra. Điều hành tỷ giá tiếp tục linh hoạt, chủ động theo tín hiệu thị trường, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần đầy mạnh hoạt động thông suốt trên thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối.
Về lãi suất, NHNN tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất và có cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, hệ thống NH có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Tiếp tục tăng cường thực hiện quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đến năm 2020 gắn với xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, đối với hệ thống NH, phải tăng cường các giải pháp, áp dụng công nghệ mới để đưa dịch vụ và tiện ích NH đến khu vực vùng sâu, vùng xa, người dân có thu nhập thấp với chi phí thấp hơn để làm sao lan tỏa dịch vụ NH đến các đối tượng và các thành phần kinh tế.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý một số vấn đề cần được ngành NH tiếp tục quan tâm xử lý để đạt kết quả tốt hơn, như: Mặc dù chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể, nhưng chưa chủ động mạnh mẽ theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế; quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu…
Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành NH đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ với 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” để hỗ trợ Chính phủ trong triển khai kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng, nhằm đạt được các mục tiêu năm 2018 và cả nhiệm kỳ.
Để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng đồng ý với 8 chữ theo đề xuất của NHNN “Chủ động, an toàn, linh hoạt, hiệu quả” và đề nghị ngành NH thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, chính sách tiền tệ, tỷ giá phải tiếp tục được điều hành hiệu quả và kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018, cũng như trong trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ chính trị tổng quát, xuyên suốt của ngành NH với vai trò chủ đạo để cùng với các bộ, ngành thực hiện cho được mục tiêu chung của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Phát huy vai trò chủ đạo của thị trường tiền tệ trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, hỗ trợ thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường BĐS phát triển lành mạnh.
Thứ hai, tín dụng NH cần tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Muốn vậy, tín dụng cần tiếp tục được mở rộng hợp lý và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng. Đồng thời, cần quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thứ ba, tập trung nguồn lực thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD lành mạnh củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, phấn đấu Việt Nam có một số NH có quy mô ngang tầm với các NH hàng đầu trong khu vực.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tiền tệ, NH, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống NH. Chính vì vậy, các TCTD phải thực hiện nâng cấp về vốn, quản trị rủi ro và giám sát tài chính cho hệ thống NH trong nước theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. NHNN và các TCTD cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và vấn đề rủi ro đạo đức để có biện pháp quản lý hữu hiệu, hạn chế tối đa những sai phạm do cố ý làm trái gây ra.
Thứ năm, phát triển, ứng dụng các sản phẩm dịch vụ NH hiện đại để theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc CMCN 4.0, đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn để hạn chế những rủi ro, tiêu cực, tội phạm từ mặt trái của công nghệ số. Tiếp tục triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thực hiện Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Phải có thể chế để quản lý để đảm bảo an toàn…
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ NH. Tạo điều kiện đầu tư kinh doanh phát triển, khuyến khích khởi nghiệp nâng cao sức cạnh tranh…
Thanh Hà