![Công ty mẹ - TCT Đường sắt lỗ lũy kế 1.822 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ) Công ty mẹ - TCT Đường sắt lỗ lũy kế 1.822 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/10/17/anh-2-1665992720.jpg)
Nợ phải thu khó đòi tăng cao
Theo báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT), Công ty mẹ - con có các khoản phải thu là 357.646 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 35.524 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020, chiếm 10% tổng số nợ phải thu.
Trong đó, nợ phải thu khó đòi điểm tên các ông lớn như: TĐ Dầu khí Việt Nam 19.404 tỷ đồng; TĐ Công nghệ Viễn thông Quân đội 8.311 tỷ đồng; TCT Lương thực miền Bắc 714 tỷ đồng; TĐ Bưu chính viễn thông Việt Nam 622 tỷ đồng; TCT Cà phê Việt Nam 512 tỷ đồng; TCT Thương mại Sài Gòn 474 tỷ đồng; TCT Viễn thông Mobifone 421 tỷ đồng; TĐ Điện lực Việt Nam 369 tỷ đồng;...
Nợ phải thu của Công ty mẹ là 310.436 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2020. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 31.331 tỷ đồng (Tiêu biểu: TĐ Dầu khí Việt Nam 14.427 tỷ đồng; TĐ Hóa chất Việt Nam 11.151 tỷ đồng; TĐ Công nghệ Viễn thông Quân đội 940 tỷ đồng; TCT Viễn thông Mobifone 420 tỷ đồng; TCT Cà phê Việt Nam 397 tỷ đồng;…), tăng 35% so với năm 2020, chiếm 10% tổng số nợ phải thu.
“Tỷ lệ các khoản phải thu/tổng tài sản năm 2021 là 13% (số liệu báo cáo hợp nhất) và 16% (số liệu báo cáo Công ty mẹ). Các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 24.710 tỷ đồng (Công ty mẹ: 23.284 tỷ đồng)”, cáo cáo của Chính phủ nêu.
Một số Công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như: TCT Xây dựng Lũng Lô 1.372 tỷ đồng, chiếm 64% tổng tài sản; TCT Thái Sơn 2.198 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản; Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất 601 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản; TCT Kinh tế Kỹ Thuật Công Nghiệp Quốc phòng 1.934 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, báo cáo hợp nhất của các đơn vị này về lượng hàng tồn kho là 151.338 tỷ đồng, tương ứng năm 2020, chiếm 6%/tổng tài sản (Công ty mẹ là 48.930 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2020, chiếm 3%/tổng tài sản). Cụ thể: TĐ Công nghệ Viễn thông Quân đội 8.491 tỷ đồng; TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam 6.952 tỷ đồng; TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD 4.824 tỷ đồng; TĐ Điện lực Việt Nam 2.755 tỷ đồng; TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị 2.330 tỷ đồng; TCT Khánh Việt 2.202 tỷ đồng; TCT Đầu tư và phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng 1.969 tỷ đồng; TCT Địa ốc Sài Gòn 1.580 tỷ đồng; TCT 319 - 1.346 tỷ đồng; TCT Lương thực miền Bắc 1.344 tỷ đồng;...
Các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền là 1.720 tỷ đồng (Công ty mẹ là 521 tỷ đồng).
Điểm mặt ông lớn lỗ ngàn tỷ đồng
Đối với các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con, Chính phủ cho biết, khối DN này nắm tổng tài sản 2,73 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2020. Báo cáo hợp nhất của 75 DN tiết lộ tổng nợ phải trả đang là 1,37 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2020, chiếm 50% tổng nguồn vốn của các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con.
Hệ số tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,02 lần (Công ty mẹ là 0,63 lần). Có 13 Công ty mẹ có tỷ lệ tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần như: TCT XNK tổng hợp Vạn Xuân 24,14 lần; TCT Thái Sơn 7,08 lần; TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam 7,04 lần; TCT Xây dựng Trường Sơn 6,39 lần; TCT Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng 5,23 lần; Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và Sản xuất 4,06 lần; TCT Đông Bắc 4,05 lần; TCT Xây dựng Lũng Lô 4,02 lần; TCT 319 - 3,94 lần; TCT Thành An 3,78 lần; TCT Xăng dầu Quân đội 3,75 lần; TCT 789 - 3,58 lần; TCT Giấy Việt Nam 3,02 lần.
Về vốn chủ sở hữu, báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu tăng chủ yếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế, chênh lệch đánh giá lại tài sản.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, có 9/75 Công ty mẹ được xác định là chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu (doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, bao gồm cả trường hợp còn lỗ lũy kế sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định). Cụ thể: Công ty mẹ - TĐ Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế là 2.613 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Đường sắt Việt Nam lỗ lũy kế 1.822 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Cà phê Việt Nam lỗ lũy kế 453 tỷ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM lỗ lũy kế 426 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT 15 lỗ lũy kế 156 tỷ đồng...
Cũng theo báo cáo, lỗ phát sinhcủa 5 TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 1.830 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM lỗ phát sinh 771 tỷ đồng; TCT Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 518 tỷ đồng; TCT Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 488 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV 622-BQP lỗ phát sinh 50 tỷ đồng; TCT Đầu tư và XNK Cao Bằng lỗ phát sinh 2 tỷ đồng.
Lỗ phát sinh theo báo cáo của 5 Công ty mẹ là 2.369 tỷ đồng. Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM lỗ phát sinh là 1.592 tỷ đồng do trong năm 2021 đã trích lập dự phòng rủi ro cho vay dẫn đến chi phí tăng mạnh; Công ty mẹ - TCT Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 565 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 179 tỷ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV 622 lỗ phát sinh 33 tỷ đồng.
Đối với lỗ lũy kế, báo cáo hợp nhất có 16 TĐ, TCT, Công ty mẹ - con còn lỗ lũy kế là 14.703 tỷ đồng. Cụ thể: TĐ Hóa chất 3.038 tỷ đồng; TCT Đường sắt Việt Nam 1.976 tỷ đồng; TCT Cà phê 857 tỷ đồng; TCT 15 (548 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng 77 tỷ đồng; TCT Du lịch Hà Nội 69 tỷ đồng; TCT Xây dựng Trường Sơn 61 tỷ đồng…
Còn 9 công ty mẹ lỗ lũy kế là 5.532 tỷ đồng. Cụ thể: TĐ Hóa chất 2.612,7 tỷ đồng; TCT Đường sắt Việt Nam 1.822 tỷ đồng; TCT Cà phê Việt Nam 453 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM 426 tỷ đồng; TCT 15 - 156 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng 54 tỷ đồng.
Song dù vậy, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, các Công ty mẹ có số nộp lợi nhuận vào Ngân sách Nhà nước lớn như: Công ty mẹ - TĐ Công nghiệp Viễn thông Quân đội đã nộp 16.781 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ Dầu khí Việt Nam đã nộp 11.635,8 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đã nộp 8.833 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Thương mại Sài Gòn đã nộp 2.256 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Viễn thông MobiFone đã nộp 1.478 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ Điện lực Việt Nam đã nộp 1.472,6 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Tân cảng Sài Gòn đã nộp 1.137,8 tỷ đồng.
Bùi Quyền