Hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ ở các ngành nghề, trong đó có ngành điện. Việc cung cấp điện liên tục và chất lượng cao không chỉ là một yêu cầu cơ bản mà còn là một yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sửa chữa điện hotline, hay còn gọi là sửa chữa trên đường dây đang mang điện, đã trở thành một giải pháp đột phá nhằm nâng cao độ tin cậy của hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Khác với phương pháp sửa chữa truyền thống, thường yêu cầu phải ngắt điện để bảo đảm an toàn cho công nhân và thiết bị, sửa chữa hotline cho phép các kỹ thuật viên thực hiện công việc sửa chữa trực tiếp trên đường dây đang hoạt động. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu thời gian cắt điện mà còn tăng cường độ tin cậy của nguồn cung ứng điện. Việc ứng dụng công nghệ mới, chẳng hạn như sử dụng xe gầu cách điện và bệ đỡ cách điện, cho phép các kỹ sư làm việc hiệu quả, an toàn mà vẫn duy trì hoạt động cung cấp điện cho khách hàng.

Công nhân Đội Hotline đang thực hiện phiên công tác trên lưới đang có điện
Công nhân Đội Hotline đang thực hiện phiên công tác trên lưới đang có điện

Theo chia sẻ của anh Phạm Thành Công, Đội trưởng Đội Hotline: Với công việc đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi người công nhân phải có kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật cao; ngoài ra cần có sức khỏe, tâm lý vững vàng. Trong quá trình thi công trên lưới đang mang điện, mọi thao tác đòi hỏi phải chuẩn xác, thuần thục, không được phép phân tâm. Thường xuyên tiếp xúc với đường dây đang mang điện đến cấp 22kV, hiện tại đang áp dụng 2 phương pháp thi công, phương pháp thứ nhất dùng xe gầu cách điện, phương pháp thứ hai dùng bệ đỡ cách điện (Platform), nhiều vị trí thi công có kết cấu lưới phức tạp, nội dung công việc nhiều như sửa chữa thay thế dao cách ly, chống sét xử lý tiếp xúc lèo, đấu nối TBA... đòi hỏi kỹ năng làm việc cao, tính kỷ luật tốt, tâm lý ổn định, cẩn thận trong từng động tác từ khâu bảo quản vệ sinh dụng cụ đến khâu làm việc ngoài hiện trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn như làm rào chắn, đặt biển báo giao thông. Khi lên gầu, điều khiển gầu xe vào vị trí hẹp để bọc cách điện xung quanh nơi làm việc, chỉ một sơ xuất nhỏ là gây mất an toàn, không hoàn thành được công việc. Chỉ cần một giây thiếu tập trung hoặc một động tác thừa sẽ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Điều vất vả nữa đối với công nhân hotline còn là việc luôn phải đối mặt với thời tiết nắng nóng trong khi phải mang mặc các trang bị an toàn như găng tay, vai áo bằng chất liệu cao su cách điện... nên rất nóng và tiêu hao nhiều sức lực.

2,3 Công tác chuẩn bị trước phiên làm việc của Đội Hotline
Công tác chuẩn bị trước phiên làm việc của Đội Hotline

Những nỗ lực không ngừng nghỉ, kết quả mà đội sửa chữa hotline của PC Quảng Ninh đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024 là rất đáng ghi nhận. Với 427/540 phiên sửa chữa theo kế hoạch, trong đó có 393 phiên sửa chữa thường xuyên và 34 phiên khác như đấu nối trạm biến áp (TBA). Nếu tính mỗi phiên làm việc theo truyền thống với tối thiếu 45 phút cho 1 phiên công tác, thì 427 phiên sẽ hết 19.215 phút - tương đương với hơn 320 giờ ngừng cung cấp điện theo kế hoạch. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp sửa chữa hotline cho phép các công nhân thực hiện công việc sửa chữa trực tiếp trên đường dây đang có điện, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cung ứng điện liên tục cho khách hàng.

Trong thời gian tới, PC Quảng Ninh sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế, giúp triển khai sâu rộng hơn nữa sửa chữa điện hotline trên nhiều loại địa hình. Điều này không những góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của đơn vị được giao mà còn hạn chế thấp nhất thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

Ngọc Lan