Cụ thể, theo kế hoạch số 220/KH-UBND vừa được UBND tỉnh Lào Cai ban hành thì tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025: Có 100% hệ thống thông tin y tế được xây dựng hồ sơ cấp độ an toàn thông tin, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo hồ sơ cấp độ an toàn thông tin được phê duyệt và đánh giá đạt yêu cầu an toàn thông tin, an ninh mạng trước khi đưa vào vận hành sử dụng, khai thác.
100% thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực y tế đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau.
100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 90% hồ sơ công việc tại Sở Y tế, các đơn vị y tế tỉnh; 80% hồ sơ công việc của cơ quan quản lý y tế huyện, thị xã, thành phố được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trong đó 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Mỗi cơ sở khám, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế, tổ chức đăng ký khám bệnh trực tuyến. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (năm 2023-2024 triển khai thí điểm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương; năm 2024 - 2025 triển khai các cơ sở khám, chữa bệnh công lập còn lại), thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử đạt tỷ lệ 100%.
Đến năm 2030, tỉnh Lào Cai tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đạt được đến năm 2025; đồng thời phấn đấu 100% hệ thống thông tin y tế được kiểm tra định kỳ, đánh giá đạt yêu cầu an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình vận hành sử dụng, khai thác; Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
100% hồ sơ công việc của Sở Y tế, các đơn vị y tế tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; 75% hồ sơ công việc của các đơn vị y tế xã, phường, thị trấn được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế không phải cung cấp lại.
95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số; 100% người dân mắc các bệnh không lây nhiễm được quản lý, chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số y tế.
100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa đạt trên 50%; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% trên tổng số thanh toán viện phí.
Ứng dụng rộng rãi các công nghệ số, gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật y tế (loMT), chuỗi khối (Blockchain), ... vào các hoạt động của ngành y tế.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lào Cai cũng đặt mục tiêu thực hiện khi có hướng dẫn của Bộ Y tế như sau: 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
Tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra trong ngành y được thực hiện qua môi trường số và qua hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
100% các dịch bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế.
Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số, trong đó: 100% các xã triển khai phẩn mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, tỉnh Lào Cai tập trung đầu tư phát triển nền tảng cho chuyển đổi số y tế; xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong ngành y tế. Trong đó, tập trung vào chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh góp phần thực hiện thành công Chương trình sức khoẻ Việt Nam; chuyển đổi số trong bệnh viện; phát triển nguồn nhân lực và cơ sở dữ liệu ngành y tế.
Hải Minh