Tập trung phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2019 là năm ưu tiên phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Tại khu vực đô thị đến nay mới hoàn thành được 3,92 triệu m2, đạt khoảng 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở là đến năm 2020 cần đạt 12,5 triệu m2 NƠXH. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tín dụng ưu đãi. Do vậy, trước mắt Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sớm bố trí nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại để tiếp tục cho vay để thực hiện chính sách NƠXH. Các doanh nghiệp cần đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công…
Theo GS Đặng Hùng Võ, phát triển nhà ở thương mại giá rẻ mới là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân. “Mặt khác, chúng ta cần tìm mọi cách động viên nhiều nguồn lực, chứ không nên nhìn vào sự trợ giúp của Nhà nước. Nếu Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế miễn, giảm một số loại thuế liên quan đến kinh doanh BĐS như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với loại hình nhà ở này, giá thành chắc chắn sẽ còn giảm sâu. Bên cạnh đó, cần hình thành các quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên sự đóng góp của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, của các tổ chức xã hội và của các cá nhân”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, Luật Đất đai năm 2013 cần được sửa đổi theo hướng đảm bảo cho các tổ chức kinh tế có quyền sử dụng đất ở lâu dài để giải quyết nhà ở cho người lao động. Đặc biệt, cần tiếp tục đàm phán vay ODA để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.
Ðất nền là kênh đầu tư sinh lời tốt
Nhận định về thị trường BĐS năm 2019, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, tín dụng năm 2019 trong ngắn hạn có ảnh hưởng do sự “rà phanh” của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có điểm tốt là việc hạn chế cho vay góp phần thanh lọc doanh nghiệp BĐS yếu kém, “sống” chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng. Các doanh nghiệp lớn trên cơ sở tiềm lực sẵn có sẽ tiếp tục phát triển.
Ông Đính cho rằng, các tỉnh khu vực xung quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đều đang trong thời kỳ đầu tư phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp và đô thị rất mạnh mẽ. Đây là điều kiện thuận lợi để ổn định và phát triển thị trường bất động sản trong năm 2019.
Theo ông Đính, đất nền tại các địa phương tiếp tục là sản phẩm chủ đạo. Một số địa phương có đầu tư hạ tầng đô thị tốt, sẽ xuất hiện cả sản phẩm shophouse. Năm 2019, giá đất nền tại các tỉnh sẽ tăng trong biên độ từ 10-15%. Giá căn hộ thương mại tại các tỉnh, thành phố không thuộc diện đô thị đặc biệt chỉ từ 10 đến 15 triệu đồng/m2...
Cũng theo ông Đính, khu vực Phú Quốc, Vân Đồn sẽ không còn hiện tượng sốt nóng, ảo, bong bóng nhưng vẫn sẽ tăng trưởng rất tốt nhờ yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch vì đã có sự đầu tư rất mạnh vào hệ thống hạ tầng. Bên cạnh đó, năm 2019 sẽ xuất hiện nhiều hơn các thương vụ mua bán, chuyển đổi chủ đầu tư các dự án BĐS. Ông Đính cũng đưa ra cảnh báo, các tỉnh cần xem xét phân bổ hợp lý theo giai đoạn việc phê duyệt phát triển mới các dự án BĐS, tránh phê duyệt ồ ạt, tạo dư thừa lớn nguồn cung.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thị trường BĐS năm 2019 được dự báo tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra “bong bóng BĐS”. Thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.
Thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.
Trúc Mai