THCL Sau hơn 12 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống tệ nạn mại dâm cho thấy các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống mại dâm và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống mại dâm được ban hành tương đối đồng bộ, bao quát hầu hết các lĩnh vực trong phòng, chống mại dâm từ biện pháp, giải pháp đến phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương; công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân góp phần giảm kỳ thị đối với người bán dâm; hoạt động truyền thông, tư vấn, đặc biệt là thông qua nhóm đồng đẳng đã giúp người bán dâm có thêm kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ sức khỏe và giảm lây nhiễm HIV/AIDS; nhiều mô hình tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế giúp người bán dâm có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước giảm dần tần xuất tiến tới từ bỏ bán dâm để hòa nhập cộng đồng bền vững. Tất cả những kết quả đó đã góp phần hạn chế tác động tiêu cực của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, một số quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và văn bản hướng dẫn thi hành đến nay không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới, đặc biệt những quy định liên quan đến quyền công dân, quyền con người không còn phù hợp với Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cụ thể, khái niệm về mại dâm (mua dâm, bán dâm) theo quy định của Pháp lệnh không bao quát được hết các hành vi mua, bán dâm trong thực tế hiện nay dẫn đến thiếu các chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm như: bảo kê, khiêu dâm, kích dục; nam giới, người chuyển giới, đồng giới, người nước ngoài bán dâm; đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa quy định rõ cơ chế xử lý. Các quy định về xử lý vi phạm trong Pháp lệnh chưa thống nhất với Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chưa quy định các biện pháp, điều kiện, nguồn lực (thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thẩm quyền xử phạt của chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội; tiêu chuẩn, điều kiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng hoạt động mại dâm…) dẫn đến việc triển khai ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn.

Thiếu các quy định về can thiệp giảm tác hại và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, không đưa người bán dâm vào các Trung tâm nhưng lại chưa có chính sách, dịch vụ hỗ trợ đối với họ tại cộng đồng; chưa quy định trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể ở cấp xã và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ vào việc hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Lực lượng cán bộ phòng, chống mại dâm còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, hầu hết là kiêm nhiệm. Trong khi đó, Ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống mại dâm thấp; nhiều tỉnh, thành phố không bố trí ngân sách địa phương, chỉ có nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; ngân sách hạn hẹp chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, do vậy, nhiều nhiệm vụ chỉ thực hiện lồng ghép hoặc chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn nên hiệu quả hạn chế. Kinh phí phòng, chống tệ nạn mại dâm ở cấp huyện, cấp xã hầu như không có.

Những bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm. Hơn nữa, sự hợp tác quốc tế sâu rộng với các quốc gia, vùng lãnh thổ và hỗ trợ của internet, mạng xã hội, hoạt động mại dâm ngày càng phát triển và biến tướng, khó kiểm soát. Chính vì vậy, thời gian qua, trong xã hội hình thành các quan điểm khác nhau về vấn đề mại dâm.

Quan điểm cho rằng mại dâm ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục và trái với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, do đó, phải kiên quyết chống tệ nạn mại dâm một cách triệt để. Những người ủng hộ cho quan điểm này cho rằng, việc hợp pháp hóa mại dâm với mục đích "kiểm soát" là sự ảo tưởng và vì thế, rất nhiều quốc gia sau thời gian hợp pháp hóa mại dâm đã quay lại cấm mại dâm vì tệ nạn này tăng lên nghiêm trọng. Mại dâm làm mất nhân phẩm của phụ nữ, gây phương hại đến nền tảng đạo đức lối sống xã hội, làm rạn nứt hạnh phúc của mỗi gia đình, kéo theo nhiều loại tệ nạn khác như: tạo cơ hội cho bọn buôn người, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục. Mại dâm chui, gái đứng đường không giấy phép sẽ xuất hiện, kéo theo đó là bạo lực đường phố.

Quan điểm khác cho rằng nên hợp pháp hóa mại dâm để quản lý và thu thuế. Những người ủng hộ cho quan điểm này lý giải rằng, nhu cầu tình dục là nhu cầu tự nhiên không thể ngăn cấm, vì vậy mại dâm cũng không thể bị "xóa sổ". Do đó, cần tìm ra phương pháp giải quyết thay vì cứ cấm đoán. Những hệ lụy cho mại dâm gây ra phần lớn là do nó không được pháp luật bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ. Hiện tượng hiếp dâm, mại dâm chui, luật rừng trong giới mại dâm, lây truyền HIV... là những mảng đen tiêu cực xuất phát từ việc vấn đề mại dâm bị "thả nổi". Hợp pháp hóa là kiểm soát, bảo vệ chứ không cổ vũ và có thiết chế quản lý.

L.Gia (Thương hiệu và Công luận)