Phát hiện hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang y tế bị làm giả (Ảnh minh họa)
Ngày 11/2 Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C-939.89 đang dừng đỗ trước cửa nhà 69 Hồ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 2.863 hộp khẩu trang của 18 loại, tương đương 143.000 chiếc. Trong đó, có 1 loại khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp không thể hiện thông tin địa chỉ nhà sản xuất gồm 449 hộp, mỗi hộp 50 chiếc. Toàn bộ lô hàng hóa trên trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Toàn bộ số khẩu trang này là loại khẩu trang 4 lớp lọc bụi, được mua gom trên mạng và được bán với giá 364.000 đồng/hộp không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Chủ hàng là Chu Ngọc Tú, sinh ngày 14/2/1993 trú tại đường Lê Hồng Phong, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn khai nhận: “Số hàng hóa này tôi chuẩn bị giao dịch thì bị đoàn lực lượng chức năng phát hiện và kiểm tra.”
Xét thấy lô hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản chuyển các mẫu khẩu trang trong lô hàng trên đến Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm Hà Nội để giám định chất lượng, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, số khẩu trang y tế trên là hàng giả, không đạt yêu cầu về chất liệu theo TCVN 8389-1:2010.
Trung tâm kiểm nghiệm khẳng định, đây chỉ là khẩu trang y tế thông thường, không có lớp kháng khuẩn; là khẩu trang 4 lớp nhưng lớp vải sử dụng bên trong là giấy vệ sinh, loại vải không dệt, không hút nước, lớp mặt ngoài màu xanh, mặt trong màu trắng; lớp vi lọc thấu khí không thấm nước.
Trên kết quả xét nghiệm này, Tổng cục QLTT khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi mua các vật dụng y tế, nhất là đối với mặt hàng khẩu trang. Với các vật dụng liên quan đến sức khỏe, người tiêu dùng nên tìm mua mặt hàng này tại các điểm bán uy tín, tin cậy mà Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã công bố.
Đồng thời, khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
PV