Phát hiện SX phân bón giả: Sẽ đóng cửa nhà máy! - Hình 1

Kiểm tra sản phẩm phân bón (Ảnh minh họa)

Theo ông Hoàng Trung, ngày 20/9, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về việc quản lý phân bón, thay thế Nghị định số 202/2013.

Nghị định mới ra đời nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, kẽ hở, những vấn đề chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn, dẫn đến thị trường phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng.

Nghị định 108 được đánh giá là văn bản chặt chẽ, toàn diện quy định quản lý nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.

Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ là đầu mối duy nhất quản lý sản phẩm phân bón, từ công bố hợp chuẩn, hợp quy đến việc đặt tên, nhãn mác và quảng cáo... và hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón sẽ bị tăng mức phạt hành chính gấp 7 lần so với hiện tại, thậm chí có thể xem xét tước giấy phép, đóng cửa nhà máy.

Cũng theo ông Trung, hiện nay số lượng phân bón dư thừa là quá lớn, dẫn tới hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa. Nghị định 108 ra đời nhằm siết chặt quản lý ngay từ đầu vào và tất cả các khâu trong sản xuất. Nghị định có một số điểm mới sau:

Tất cả các sản phẩm trước khi lưu hành đều phải khảo nghiệm tại những tổ chức có đủ điều kiện (trừ phân hữu cơ và các công trình khoa học từ cấp sở trở lên được công nhận là tiến bộ kỹ thuật).

Một số trang thiết bị được quy định trong các phụ lục đều gắn kèm các điều kiện cụ thể. Thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất được quy định chỉ 5 năm, thay vì không có thời hạn như trước đây.

Đại lý muốn buôn bán phân bón thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Các sở NN&PTNT và các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tại địa phương phải thực hiện 6 nhiệm vụ, gồm: Cấp lại tất cả các giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói phân bón; giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; xác nhận quảng cáo theo đúng luật quảng cáo; thanh tra, kiểm tra trong địa bàn địa phương quản lý; chịu trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn người dân sử dụng phân bón theo nguyên tắc 5 đúng; chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Muốn ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, thì các vụ việc xảy ra kéo dài như vừa qua (điển hình là Công ty Thuận Phong) phải được làm dứt điểm, nếu không sẽ tạo thành tiền lệ rất xấu, không có tính răn đe, ông Trung nhấn mạnh!

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá, thị trường phân bón hiện đang phát triển tự phát, như một ma trận.

Nghị định 108 ra đời là một công cụ quy định cho tất cả tổ chức, cá nhân tuân thủ. Trong quản lý phân bón thì hệ thống trung tâm khảo nghiệm, kiểm định rất quan trọng - là hàng rào pháp lý, quyết định sự công bằng, minh bạch cho các DN.

Để giải quyết vấn nạn này, bên cạnh các giải pháp về tăng cường quản lý, thì cần có định hướng chiến lược phát triển phân bón hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ.

Chương trình LHQ về phát triển nông nghiệp bền vững cũng nhấn mạnh, xu thế của thế kỷ XXI là nền nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở phát triển phân bón hữu cơ.

Ngoài việc siết chặt thị trường từ khâu sản xuất, nhập khẩu phân bón thì việc kiểm tra các cơ sở đang sản xuất trong nước cũng là việc làm cần thiết.

Cần có một cuộc tổng kiểm tra với quy mô lớn trên phạm vi cả nước với các cơ sở sản xuất; làm rõ hoạt động tại các trung tâm khảo nghiệm để làm cơ sở pháp lý công bằng cho việc thực hiện Nghị định 108, ông Thúy cho biết.

Nguyễn Kiên