Đa phần nông dân địa phương lại ít đất, không có vốn đầu tư phải phụ thuộc vào đại lý nên dẽ bị các đại lý “bày kế” qua mặt.
Trà Vinh được xem là tỉnh quyết liệt với nạn phân giả, kém chất lượng. Theo thống kê trong 3 năm qua, Sở Công thương đã lấy 158 mẫu phân bón kiểm tra, phát hiện 69 mẫu phân bón giả, kém chất lượng. Theo đánh giá của ngành công thương Trà Vinh, cứ 10 mẫu phân thì có 4 mẫu không đạt. Phân bón giả, kém chất lượng chiếm tới hơn 40% các mẫu phân bón đã lấy, quả là thực trạng nhức nhối.
Ông Dương Minh Thông, Phó chánh Thanh tra Sở Công thương cho biết, đoàn công tác đã kiểm tra 1 công ty và 31 cửa hàng VTNN. Có 13 mẫu phân bón được lấy gửi đi kiểm nghiệm, kết quả có 5 mẫu phân sai phạm. Đáng nói, có 2 mẫu phân không có giá trị sử dụng (có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70%).
Các mẫu phân bón giả bị lực lượng chức năng Trà Vinh phát hiện
Cụ thể, mẫu phân bón là hàng giả không có giá trị sử dụng công dụng là NPK cao cấp Mùa Vàng 20-20-15, do Công ty TNHH Hóa Nông Mùa Vàng (địa chỉ lô N5, đường số 6, cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, tỉnh Long An) sản xuất ngày 02/6/2017, hạn sử dụng 2 năm theo TCCS MVLA 03/2013, có hàm lượng P2O5 công bố 20%, kết quả thử nghiệm chỉ đạt 13,5%.
Các mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với công bố áp dụng, gồm: Phân bón NPK Đức Lộc Phát 23-23-0+TE, do Công ty TNHH SX-TM Yên Trang (địa chỉ ấp 10, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) sản xuất ngày 08/8/2017, hạn sử dụng 2 năm theo TCCS YTLA 03/2012, có hàm lượng P2O5 công bố 23%, kết quả thử nghiệm chỉ đạt 19,9%.
Phân bón NPK Việt Pháp 20-20-15+TE do Công ty TNHH sản xuất phân bón Hùng Thịnh (địa chỉ kho D1 lô D, KCN Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) sản xuất ngày 22/7/2017, hạn sử dụng 2 năm theo TCCS 04:2016/HT.LA, có hàm lượng P2O5 công bố 20%, kết quả thử nghiệm chỉ đạt 14,9% và hàm lượng K2O công bố 15%, kết quả thử nghiệm chỉ đạt 11,6%.
Phân hỗn hợp NPK 20-20-15+TE, do Công ty cổ phần Phân bón Việt Mỹ (địa chỉ 03/45/9 Thành Thái, phường 14, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất ngày 12/5/2017, hạn sử dụng 2 năm theo TCCS: 15:2014/PBVM-HCM có hàm lượng N công bố 20%, kết quả thử nghiệm chỉ đạt 17,8% và hàm lượng K2O công bố 15%, kết quả thử nghiệm chỉ đạt 13,4%.
Phân kali viên bón rễ Kali Silic 61%, do Công ty TNHH MTV DV-TM Sen Vàng (địa chỉ số 225, Huỳnh Hoàng Hiển, phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An) sản xuất ngày 5/7/2017, hạn sử dụng 2 năm theo TCCS 47:2016/SV-LA có hàm lượng SiO2 công bố 31%, kết quả thử nghiệm chỉ đạt 22,3%.
Để che đậy cho những sản phẩm kém chất này, các cửa hàng VTNN thường dùng “chiêu” khuyến cáo nông dân dùng kèm với các sản phẩm khác mà họ đã tính toán, đảm bảo dinh dưỡng cho cây lúa. Đa phần nông dân địa phương lại ít đất, không có vốn đầu tư phải phụ thuộc vào đại lý nên dẽ bị các đại lý “bày kế” qua mặt.
Đánh giá về thực trạng phân bón trên địa bàn tỉnh mình, ông Dương Minh Thông, Phó chánh Thanh tra Sở Công Thương Trà Vinh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hình thức xử phạt phân giả hiện chưa đủ sức nặng. “Chế tài xử phạt phân giả chưa đủ sức răn đe. Phân kém chất lượng bị xử phạt cao hơn so với phân giả đang là điều bất cập”, ông Thông chỉ rõ.
Rõ ràng, để làm ra hạt lúa, cây rau người nông dân phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cực khổ là vậy nhưng bao nhiêu công sức họ bỏ ra để kiếm “miếng cơm” lại bị các doanh nghiệp với sự giúp sức của đại lý “bóc lột”. Thực trạng trên tại vùng ĐBSCL nói chung và Tỉnh Trà Vinh nói riêng đã đến mức báo động.
Thiết nghĩ cơ quan chức năng các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không chỉ để có trách nhiệm với người dân, mà còn đòi lại công bằng cho cả những doanh nghiệp chân chính.
Cao Diên – Hải Dương