Trả lời báo chí, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide được bổ sung vào nguyên liệu TACN cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm tăng độ đạm. Việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN cho chất cyanuric acide, dicyandiamide, ammelide vào TACN chỉ nhằm đánh lừa người chăn nuôi, vì thực chất việc nâng cao độ đạm này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng”.

Theo tìm hiểu được biết, hoạt chất axit Cyanuric là chất có cấu trúc tương tự như Melamine. Nếu chỉ có một mình melamin thì không độc trong những liều thấp, dựa vào một số nghiên cứu trên động vật, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) tính mức độ dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày (tolerable daily intake, hay TDI) của melamin là 0,63mg/kg thể trọng/ngày.

Cần lưu ý là mức độ này được ước tính dựa trên kết quả nghiên cứu về tác động của melamin đối với động vật chứ chưa phải trên người, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ. Riêng đối với trẻ nhỏ (trẻ ở giai đoạn còn sử dụng sữa là thức ăn chính) cũng là thời điểm chức năng thận chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, nếu nguồn sữa bị nhiễm melamin thì trẻ càng nhỏ, nguy cơ nhiễm độc cũng như mức độ nguy hiểm càng cao và dễ tử vong.

Phát hiện thức ăn chăn nuôi có chứa chất cyanuric acide độc hại gây nguy hiểm cho NTD - Hình 1

Chất cyanuric acide có xuất xứ từ Trung Quốc

Các chuyên gia cho biết, sử dụng hóa chất công nghiệp vào sản xuất TACN, nuôi trồng thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm thực vật. Người tiêu dùng ăn vào sẽ gây tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, như gây dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư trong cơ thể tích tụ kim loại nặng vượt mức cho phép.

Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), về lý thuyết cũng như trên thực tiễn, một hoá chất phụ gia trong TACN được công nhận là an toàn cho động vật nhai lại, chưa chắc đã an toàn cho các vật nuôi khác và con người.

Trước vụ việc trên, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN đảm bảo không sử dụng các chất trên, thẩm định và chỉ định Phòng kiểm nghiệm đối với chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide phục vụ cho việc phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất việc đưa các chất trên vào danh mục chất cấm sản xuất, kinh doanh trong TACN nếu đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Ngọc Linh