Ảnh minh họaẢnh minh họa

BHYT là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh, thậm chí có những người bệnh có chi phí KCB lên tới hàng tỷ đồng/đợt điều trị.

Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT, đồng thời Chính phủ quyết định lấy ngày 1/7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng, một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT.

Để tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (năm 2014) đã quy định rõ: Từ ngày 1/1/2015, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc nhằm khẳng định mọi đối tượng có trách nhiệm phải tham gia BHYT.

Những lợi ích to lớn 

Một lợi ích to lớn đó là, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Khi tham gia BHYT, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia (với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên;…).

Được khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT trên toàn quốc: Được lựa chọn cơ sở KCB gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký KCB ban đầu và có thể thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu.

Khi KCB đúng quy định được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí KCB tùy từng đối tượng. Đồng thời, giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí KCB khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật...

Ngoài ra, còn góp phần chia sẻ rủi ro, phát huy tinh thần ''lá lành đùm lá rách" giữa những người tham gia BHYT.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh BHYT

Các thông tin về thẻ BHYT được tra cứu trực tuyến và cập nhật trực tiếp vào phần mềm quản lý KCB của cơ sở y tế giúp giảm đáng kể thời gian chờ KCB BHYT của người tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức KCB BHYT, quản lý quỹ BHYT của các cơ sở KCB và của cơ quan BHXH.

Các trường hợp gia hạn thẻ BHYT, đủ điều kiện miễn cùng chi trả được cập nhật kịp thời trên hệ thống giúp người bệnh được đảm bảo đầy đủ quyền lợi KCB ngay khi đang điều trị tại bệnh viện.

Người bệnh có thể tự tra cứu được thông tin về chi phí điều trị, các dịch vụ đã sử dụng, minh bạch quyền lợi hưởng BHYT, đồng thời tăng cường vai trò tham gia kiểm soát sử dụng quỹ KCB của người tham gia BHYT.

Cùng với chính sách BHXH, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân; tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT... Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.

 Việt Anh