Phát triển kinh tế - xã hội: Khí thế mới, thành công mới
Phát triển kinh tế - xã hội: Khí thế mới, thành công mới.

Tăng trưởng GDP đạt khá

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 03/2022, diễn ra đầu tháng Tue, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng Ba và 03 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Điểm sáng nổi bật là tăng trưởng GDP đạt khá, quý I ước tăng 5,03% so cùng kỳ 2021, trong đó, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so cùng kỳ các năm 2020 - 2021. Qua đó, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng đà tăng trưởng tiếp tục tích cực trong quý II và cả năm 2022.  

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân quý I tăng 1,92%, tương đối thấp so cùng kỳ các năm 2018 - 2021.

Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh; kịp thời có giải pháp ổn định thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán.

XK phục hồi mạnh mẽ trong tháng Ba, tăng 45,5% so tháng trước, tính chung quý I tăng 12,9% so cùng kỳ 2021. XK của khu vực kinh tế trong nước tăng 50,5% so tháng trước, tính chung quý I, tăng 22% so cùng kỳ, gấp 2,2 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (10%). Tháng Ba, xuất siêu 1,39 tỷ USD, tính chung quý I, xuất siêu 809 triệu USD.

Về đầu tư, vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 03 tháng tăng gần 2 lần so cùng kỳ 2021; FDI thực hiện tăng 7,8% so cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay, phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của nước ta.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục mở rộng. Sản xuất nông nghiệp ổn định, làm tốt công tác gieo trồng vụ đông - xuân và thu hoạch lúa mùa, phòng chống rét đậm, rét hại, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị 03 tháng toàn ngành tăng 7,07% so cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước.

Thị trường du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng Ba, nhiều đường bay quốc tế được nối lại, khách quốc tế đến nước ta trong tháng tăng 2,2 lần so cùng kỳ 2021, tính chung quý I tăng 89,1% so cùng kỳ.

Số DN đăng ký thành lập mới, tái gia nhập thị trường trong tháng Ba cao gấp 3 lần số DN rút lui; tính chung quý I, đạt kỷ lục hơn 60.000 DN, tăng 36,7% so cùng kỳ 2021, cao nhất trong các quý I từ trước tới nay. 

“Đó là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng DN vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm. Khoảng 35,87 triệu lượt đối tượng đã nhận hỗ trợ xấp xỉ 40,5 nghìn tỷ đồng theo NQ số 68/NQ-CP; hỗ trợ gần 38,6 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo NQ số 116/NQ-CP…

Còn tiềm ẩn rủi ro

Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế năm 2022 - 2023. 

“Chính vì vậy, các cấp, các ngành chủ động theo dõi, dự báo tình hình, có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, cân đối lớn về năng lượng, lao động - việc làm, đầu tư…; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Cùng chung nhận định trên, UOB Bank cho rằng, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi. Trong quý I/2022, dòng vốn FDI các nhà đầu tư giải ngân là 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so cùng kỳ 2021.Tuy nhiên, dòng vốn FDI cam kết lại giảm 12% so cùng kỳ 2021, xuống 8,9 tỷ USD. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lo ngại về triển vọng của nền kinh tế thế giới, nhất là kể từ sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 02/2022.

Đáng chú ý, giá tiêu dùng tăng 2,41% trong tháng Ba, cao hơn so mức tăng 1,42% trong tháng 02/2022, do chi phí vận tải tăng tới 17,2%. Và theo UOB, chi phí nhiên liệu trong nước tăng nhanh là do giá dầu thô toàn cầu tăng trước xung đột quân sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga. Đà tăng này, sẽ tiếp tục tạo áp lực lên lạm phát trong những tháng tới.

Năm 2021, Việt Nam NK khoảng 15,8 tỷ USD sản phẩm năng lượng (bao gồm than, dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt), chiếm khoảng 4,8%/tổng giá trị NK 331,2 tỷ USD trong năm. Từ đầu năm đến tháng 02/2022, giá trị NK năng lượng đã tăng lên 2,19 tỷ USD (tương đương 5,2% giá trị NK 42,14 tỷ USD), cao hơn mức bình quân 4,8% của giai đoạn 2020 - 2021.

“Với sự khởi sắc trong các hoạt động kinh doanh, nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng sẽ tăng song song với việc tăng giá toàn cầu, các cân đối bên ngoài cũng như áp lực lạm phát sẽ bị ảnh hưởng bất lợi, do đó có thể làm giảm nhu cầu tổng thể trong thời gian tới”, UOB nhận định.

2. Kỳ vọng đà tăng trưởng tiếp tục tích cực trong quý II và cả năm 2022 (Ảnh minh họa)
2. Kỳ vọng đà tăng trưởng tiếp tục tích cực trong quý II và cả năm 2022. Ảnh minh họa.

Kinh tế sẽ tăng tốc

Nhìn chung, đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định trong quý I. Quan trọng nhất là những trụ cột tăng trưởng kinh tế đã có sức bật nhanh trở lại với việc hấp thụ nhanh, hiệu quả từ các gói kích thích kinh tế, xã hội. 

Tuy nhiên, bài toán lúc này đó là sự thận trọng áp lực tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ tăng cao trong các tháng tới đây. Do vậy, một trong những ưu tiên ngay từ đầu quý II tới là tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát giá cả, thị trường và bảo đảm lưu thông hàng hóa, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước để tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước, qua đó hạn chế tác động của sự tăng giá thế giới tới thị trường Việt Nam.

Theo Tổng giám đốc NH Standard Chartered Việt Nam, bà Michele Wee:

“Bối cảnh hiện nay cho thấy những thách thức không chỉ với Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác đó là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả. Rủi ro về lạm phát, sự thay đổi toàn cầu sắp diễn ra theo hướng thắt chặt tiền tệ có thể làm giảm tính linh hoạt trong chính sách.

NHNN cần tiếp tục giữ nguyên lãi suất, qua đó giúp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và quản lý rủi ro lạm phát. Chúng tôi kỳ vọng, sự phục hồi của Việt Nam sẽ tăng tốc rõ rệt năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I. Dự báo, tăng trưởng 6,7% năm 2022 và 7%  năm 2023”.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Tim Evans cũng nhận định:

“Kết thúc tháng Hai, XK của Việt Nam cho thấy sự phục hồi khá vững vàng. XK tăng so cùng kỳ năm trước, nhờ các ngành khác đều tăng trưởng, cho thấy các yếu tố bên ngoài đang rất khả quan.

Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng trong bối cảnh giá dầu tăng cao; thương mại của Việt Nam đã bị tác động. Trong khi hiệu ứng cơ sở và ngành hàng điện tử thường xuyên cần NK là những nguyên nhân chính phía sau tăng trưởng NK mạnh; NK xăng dầu trong tháng 2 tăng gần gấp đôi mức trung bình 1 tháng của năm ngoái.

Chúng tôi đánh giá cao gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng thúc đẩy sản xuất, đầu tư, được triển khai sớm, ngay trong quý đầu năm. Triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực”.

Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bà Sagarika Chandra cho rằng, hiện tại, lạm phát không phải là một mối lo chính đe dọa nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hệ thống tài chính - ngân hàng. Đặc biệt, việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ trị giá 350.000 tỷ đồng, đã giúp Việt Nam ổn định nợ công, giữ vững tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn. Dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục - tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Vì thế, Fitch ratings dự báo, những nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện hơn nữa lĩnh vực tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững - sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới.

Quyết tâm cao hơn nữa

Ngày 05/04, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng Ba và quý I/2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong quý II/2022 và thời gian tới, tiếp tục khó khăn, do tình hình thế giới tác động, khó khăn nội tại và có thể có những khó khăn chưa dự báo được.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã quyết tâm rồi, quyết tâm cao hơn nữa; lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, điều hành; làm việc gì, dứt điểm việc đó; tăng cường tính tự lực, tự cường hơn nữa…, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.

Doanh nghiệp tự tin duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh
Doanh nghiệp tự tin duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tiếp tục thực hiện thật tốt các nghị quyết Trung ương, nhất là Kết luận Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII, Chương trình phòng chống Covid-19, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo.

Mặt khác, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường XK; thúc đẩy thị trường trong nước; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường thanh tra, giám sát, điều tra, nắm bắt tình hình liên quan đến bất động sản, trái phiếu, môi trường, chứng khoán, xăng dầu; cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển - phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tại COP 26. Coi trọng phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đẩy mạnh tốc độ phục hồi kinh tế, nhất là du lịch; tổ chức các hình thức dạy - học phù hợp, an toàn; thúc đẩy tiêm vaccine theo kế hoạch, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; đảm bảo cung - cầu lao động; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, DN…

Đối với các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tập trung chỉ đạo, thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho người dân di dời có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn nơi ở cũ. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, khai thác mỏ nguyên vật liệu. Xem xét, xử lý kịp thời, phù hợp về giá nguyên vật liệu xây dựng. Chủ động lập các dự án liên quan đất rừng, đất lúa. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, với tầm nhìn dài hơi, có tính chiến lược, tư duy đột phá.

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; rà soát cơ chế, pháp luật, phát hiện các lỗ hổng để điều chỉnh; xử lý nghiêm các sai phạm. Giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị, đảm bản trật tự an toàn xã hội. Tăng cường thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội và đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc trên các nền tảng. Tăng cường thông tin hướng dẫn, trao đổi, tọa đàm về những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân, phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế…

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, trong quý II/2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước sẽ có khí thế mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Bùi Quyền