Để xây dựng tầm nhìn chiến lược lâu dài chung và phát triển bền vững cho tiểu vùng Duyên hải phía Đông của vùng ĐBSCL thì các địa phương phải liên kết lại.

Là vùng sản xuất trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL, bao gồm nhiều loại đặc trưng như: Dừa, bưởi, nhãn, sầu riêng, vú sữa..., các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh nằm trong tiểu vùng ven sông Tiền, sông Hậu và gần biển. Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL này có diện tích tự nhiên gần 14.000 km2 là vùng kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng của khu vực phía Nam. Cùng với thế mạnh về kinh tế, vùng còn có tiềm năng du lịch đặc sắc, không giống bất kỳ vùng miền nào của cả nước là bức tranh tuyệt đẹp với khí hậu ôn hòa, cảnh quan hấp dẫn, con người thân thiện.Phát triển tiềm năng du lịch của tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long - Hình 1

Ảnh minh họa. Nguồn: nguoilambao.vn

Vừa qua, các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long".

Nhận định về tiềm năng du lịch của tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, các đại biểu cho rằng, đây là vùng có thế mạnh tài nguyên nước, có thể phát triển du lịch sinh thái, bên cạnh đó là những lễ hội và hệ thống di sản đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer - nguồn tài nguyên  du lịch văn hóa phong phú… Tuy nhiên, lượng du khách và doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch còn chưa tương xứng. Ngoài ra, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh còn hạn chế, chưa tạo được nhiều sản phẩm mới để thu hút du khách. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các tỉnh trong vùng cần chú trọng liên kết theo hướng cùng quy hoạch thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch, bên cạnh đó phối hợp xây dựng hệ thống thông tin và cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư.

Tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung làm rõ những nội dung về thế mạnh và hạn chế của hoạt động du lịch trong vùng, đánh giá khả năng tiếp cận vào chuỗi giá trị du lịch cả nước. Đồng thời đề xuất các định hướng liên kết phát triển du lịch chuyên nghiệp và bền vững cho tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó hình thành những sản phẩm, tuyến du lịch mới có sức hút riêng biệt để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.

Hội thảo lần này là dịp để các địa phương trao đổi nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển du lịch trong vùng. Đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Hải Đăng