Cụ thể, quy hoạch trong phạm vi 5 đơn vị hành chính của tỉnh, gồm: thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong với diện tích quy hoạch khoảng 49.137 ha. Thời hạn quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Theo Quy hoạch, đô thị Bắc Ninh sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm, gắn với vùng thủ đô Hà Nội, gồm 7 trọng tâm phát triển đô thị gắn với mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị; lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để hình thành hệ thống giao thông phân tán (TOD) và 3 hành lang phát triển, gồm: hành lang đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 1A; hành lang đô thị công nghiệp dọc Quốc lộ 18; hành lang sinh thái dọc sông Đuống, sông Cầu.
Ngoài ra, Quy hoạch định hướng kết nối đô thị lõi với hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái công nghệ cao dọc Quốc lộ 17, nối Quế Võ - Gia Bình - Thuận Thành; hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 38 và đường vành đai 4; hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối Từ Sơn, Tiên Du với Thuận Thành dọc tuyến đường tỉnh 276.
Về định hướng quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, Bắc Ninh bố trí 12 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích khoảng 4.800 ha. Đến năm 2045, tỉnh bố trí 32 cụm công nghiệp với tổng quy mô khoảng 856 ha; chuyển đổi 13 cụm công nghiệp sang đô thị, thương mại, dịch vụ với tổng diện tích khoảng 310 ha; bổ sung đất cụm công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 188 ha; xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Bắc Ninh có diện tích khoảng 250 ha.
Cũng theo Quy hoạch, Bắc Ninh sẽ tập trung xây dựng phát triển đa dạng các loại hình thương mại, đặc biệt là các hạ tầng thương mại mang tính chất quy mô lớn; phát triển các trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm mua sắm quy mô lớn theo hướng hiện đại tại các đô thị; phát triển chợ trung tâm để phân luồng hàng hóa cho đô thị và một số vùng phụ cận.
Về du lịch, Bắc Ninh tập trung phát triển hệ thống dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của vùng Thủ đô Hà Nội và tỉnh. Trong đó, khai thác tài nguyên văn hóa và các công trình di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể - Dân ca Quan họ làm lực hút đặc trưng, phát triển các loại hình du lịch mới gắn với sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ du lịch chất lượng cao.
Đối với nông nghiệp, tỉnh quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du gắn với hành lang xanh dọc các tuyến sông Cầu, sông Đuống; chuyển đổi hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị; giữ gìn các khu vực có điều kiện thổ nhường, vị trí phù hợp tiếp tục sản xuất nông nghiệp để cung cấp các sản phẩm cho nhu cầu của đô thị…
Quy hoạch nhằm xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố văn hóa, sinh thái, đô thị thông minh, hướng tới kinh tế tri thức, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; đồng thời, tăng cường quản lý, thu hút đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bá Đoàn