Núi Pha Dua nằm ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có vẻ đẹp kỳ bí, nơi gắn liền với “Chuyện tình Pha Dua” kể về câu chuyện tình bi kịch của một cô gái con nhà giàu có với một chàng trai tài hoa đã lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác. Câu chuyện tình đẹp đã được viết thành lời bài hát được nhân dân và du khách tìm hiểu và thưởng thức.
Trong chương trình Liên hoan vào tối 25/11 là phần biểu diễn sân khấu hóa tái hiện “ Chuyện tình Pha Dua” cùng các tiết mục trình diễn vô cùng đặc sắc, độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân gian, đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Mường, Thái, Dao, Mông... Nội dung của các tiết mục nghệ thuật ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi công cuộc đổi mới đất nước, cuộc sống và tình yêu quê hương, đất nước.
Phát biểu khai mạc liên hoan, bà Vương Thị Hải Yến- Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Trưởng Ban tổ chức liên hoan khẳng định: Khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số Thanh Hóa tự hào là nơi phát tích của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, Lễ hội Pồn Pông, Séc bùa của người Mường; Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, múa Cá Sa, múa sạp, múa xoè của người Thái; múa chuông, múa rùa, múa bát của người Dao; các điệu khặp, khua luống của người Thái; Khèn bè, đàn môi của người Mông; múa bắt nhái dân tộc Thổ… và là miền đất của những chợ phiên độc đáo, giàu bản sắc. Đó là sự kết tinh từ tinh hoa của đất, trời, của văn hóa vùng miền do những người dân tần tảo tạo nên, đến nay vẫn còn lưu giữ và trao truyền trong khắp mường trên, bản dưới.
Liên hoan được tổ chức nhằm quảng bá nét sinh hoạt cộng đồng trong các chợ phiên của đồng bào vùng cao xứ Thanh, đặc biệt là nét đặc trưng thế mạnh về văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực và các đặc sản của tỉnh Thanh Hóa, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Liên hoan văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua” - Phiên chợ vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2022 không chỉ nhằm giới thiệu và tôn vinh các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc trưng của các cộng đồng dân cư mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để quảng bá, phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch vùng miền.
Tại đêm khai mạc liên hoan đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc “Chuyện tình Pha Dua”; Thi diễn chương trình văn nghệ dân gian; Thi diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số của 11 huyện miền núi tham dự liên hoan.
Trong khuôn khổ chương trình liên hoan còn diễn ra các hoạt động như: Tổ chức chấm không gian phiên chợ vùng cao và giới thiệu ẩm thực truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa.
Chợ phiên không chỉ là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương do đồng bào các dân tộc tự tay làm ra mà nó còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Chợ phiên chưa bao giờ thôi là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu văn hóa vùng cao.
Chợ là một nét văn hóa có từ lâu đời ở mọi vùng miền trên khắp đất nước ta. Trong đó, chợ phiên được cho là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của các dân tộc thiểu số vùng cao. Khi đô thị hóa phát triển, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang dần thay thế cho chợ truyền thống thì chợ phiên ở các huyện miền núi xứ Thanh vẫn còn những nét văn hoá nguyên sơ và dung dị. Nơi đây hội tụ nét đẹp văn hoá độc đáo mang đặc trưng của đồng bào vùng cao.
Đến với Phiên chợ vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2022, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy tính cộng đồng - một nét đẹp vùng cao hiếm có không thể nào trộn lẫn. Đây không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục… vô cùng thú vị.
Một số hình ảnh tại Phiên chợ vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2022:
Hoài Thu