VN-Index bắt đầu gặp áp lực bán, rung lắc mạnh sau giai đoạn tăng giá lên liên tiếp lên vùng kháng cự quanh 1.200 - 1.211 điểm tương ứng vùng đỉnh giá cao nhất năm 2018 và cũng là đường giá trung bình MA20 trên đồ thị tháng hiện nay.
Thị trường phiên 27/7 ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ với giá đóng cửa ở mức cao hơn trung bình trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản tăng khá và cao hơn trung bình 20 phiên.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) cho rằng, bên bán đang có dấu hiệu mạnh lên, và đà tăng tạm thời chững lại. Do đó, áp lực rung lắc sẽ tiếp tục mạnh lên trong phiên hôm nay 28/7. “Trong phiên giao dịch hôm nay 28/7, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.200 – 1.205 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng, để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.190 – 1.195 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.180 – 1.185 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên hôm nay 28/7, nhưng chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt hoàn toàn được ngưỡng 1.200 điểm. Điểm tích cực là dòng tiền tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa cho thấy dòng tiền vẫn trong trạng thái tích cực, đặc biệt thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực nên thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh. Đồng thời, chỉ báo tâm lý vẫn đang trong vùng lạc quan.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và hạn chế mua mới”, chuyên gia của YSVN nhận định.
Về góc nhìn kỹ thuật, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) phân tích, VN-Index hình thành nến dạng hammer nhờ lực cầu về cuối phiên. Xét về khung đồ thị ngày, VN-Index tiệm cận khu vực quanh 1.200 tương ứng với mốc 0.786 của thang đo Fibonacci mở rộng và đang có diễn biến rung lắc mạnh. Thêm vào đó, chỉ báo MACD và RSI ở cả 2 khung đồ thị ngày và giờ đều bắt đầu hình thành đỉnh và suy yếu cho thấy rủi ro ngắn hạn đã tăng lên. Tuy ADX vẫn ở mức cao nhưng đường chỉ báo sức mạnh DI+ cũng đã dần tạo đỉnh cho thấy lực cầu không còn mạnh mẽ như trước.
Đầu phiên giao dịch 27/7, VN-Index tăng lên vùng 1.200 điểm và chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh về quanh 1.190 điểm trước khi phục hồi trở lại. Kết phiên giao dịch ngày 27/7, VN-Index giảm 3,51 điểm (-0,29%) về 1.197,33 điểm.
HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,24%) về mức 235,64 điểm. Độ rộng thị trường trên hai sàn niêm yết nghiêng về tiêu cực với áp lực bán vẫn gia tăng với tổng cộng 357 mã giảm giá (6 mã giảm sàn), 266 mã tăng giá (25 mã tăng trần), và 147 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 24.649,5 tỷ đồng, tăng mạnh 28,35% so với phiên trước, vượt mức trung bình và là thanh khoản cao nhất, vượt 1 tỷ USD sau 1 năm trở lại đây. Thể hiện dòng tiền vẫn đang hoạt động mạnh trong thị trường, xoay vòng gia tăng tốt ở nhóm cổ phiếu bất động sản khi VN-Index điều chỉnh.
Thị trường đón nhận thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25%, đẩy mặt bằng lãi suất lên phạm vi là 5,25% - 5,5%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2001. FED vẫn để ngỏ về đợt nâng lãi suất tiếp theo. Điều này phần nào ánh hưởng dẫn đến thị trường rung lắc, điều chỉnh mạnh trong phiên với mức độ phân hóa lớn.
Nổi bật nhất vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản khi đa số tăng giá từ đầu phiên và duy trì bật tăng mạnh đến cuối phiên, nhiều mã tăng giá hết biên độ với thanh khoản đột biến như” SJS (+7,00%), NBB (+6,99%), NHA (+6,94%), DXG (+6,80%), ITC (+6,67%), NDN (+4,24%)... ngoài số ít mã điều chỉnh giảm như: VHM (-2,54%), VPH (-0,58%), QCG (-0,33%)...
Minh An(T/h)