Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), trên đồ thị kỹ thuật, chỉ báo ADX đang chạm đường DI+ và trên ngưỡng 25 điểm cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn được duy trì. Vì vậy, thị trường có thể tiếp tục hướng đến kiểm định vùng giá 1.140 – 1.150 điểm trong phiên giao dịch hôm nay 29/6. “Tuy nhiên, chỉ số đã tăng 7 phiên liên tiếp với biên độ tăng có xu hướng thu hẹp. Do đó, nhà đầu tư nên hạ dần tỷ trọng với nhóm vốn hoá vừa và nhỏ tại các ngưỡng cản của chỉ số. Đối với nhóm VN30 đang thu hút dòng tiền khá tốt, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ”, chuyên gia của Agriseco lưu ý.
Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) cho rằng, thị trường tiếp tục ghi nhận một phiên giao dịch giằng co, và đóng cửa tăng nhẹ, mức cao hơn trung bình trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản tăng khá nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy sự giằng co của bên mua và bên bán, và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Do đó, sự rung lắc có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong phiên hôm nay 29/6.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 29/6, chỉ số VN-Index có thể giao dịch giằng co trong phiên sáng, giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.130 – 1.135 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.140 – 1.145 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định mức 1.145 điểm trong phiên hôm nay 29/6. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn ở mức cao nên thị trường có thể sẽ liên tục xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh trong phiên, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang tiếp tục suy yếu. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang đóng vai trò dẫn dăt thị trường, nhưng chúng tôi lưu ý đây là tuần chốt NAV quý 2/2023 nên động lực tăng giá của thị trường phần lớn vẫn đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trước đó, kết phiên giao dịch ngày 28/6, VN-Index tăng tốt hơn 4,02 điểm (+0,35%) lên mức 1.138,35 điểm. HNX-Index tiếp tục kém tích cực khi giảm 0,57 điểm (-0,25%) về mức 230,25 điểm. Độ rộng thị trường tiêu cực thể hiện áp lực bán ở nhiều mã với tổng cộng 339 mã giảm giá (11 mã giảm sàn), 269 mã tăng giá (15 mã tăng trần), và 114 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 19.619,26 tỷ đồng, tăng 22,45% so với phiên trước, duy trì trên mức trung bình. Tuy nhên mức độ phân hóa trên thị trường mạnh với áp lực bán, điều chỉnh ở nhóm vốn hóa nhỏ, trung bình, dịch chuyển sang nhóm vốn hóa lớn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực hỗ trợ thị trường tăng điểm trong phiên 28/6 với đa số mã tăng giá tích cực, thanh khoản cải thiện tốt. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép với HPG (+3,10%) tăng giá tích cực dưới ảnh hưởng mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như dòng tiền gia tăng vào nhóm cổ phiếu đầu ngành thì đa số các mã còn lại phản ánh thị trường chung khi chịu áp lực điều chỉnh như: VGS (-2,14%), TLH (-1,07%), HSG (-0,59%)...
Các cổ phiếu đầu tư công, xây dựng, vật liệu xâu dựng đa số điều chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản dưới mức trung bình như CTI (-2,32%), BCC (-2,08%), LCG (-1,82%), VCG (-1,39%)... ngoài các mã tăng giá tốt như C47 (+6,97%), HBC (-6,77%), C69 (+1,05%),....
Minh An(T/h)