Sau 3 phiên liên tiếp tăng điểm kiểm tra lại vùng kháng cự quanh 1.140 điểm, VN-Index đã chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên 6/7. Áp lực bán gia tăng nhẹ trong đầu phiên với thanh khoản thấp và gia tăng mạnh hơn vào đầu phiên chiều với thanh khoản đột biến hơn.
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường ghi nhận một phiên giảm điểm khá với giá đóng cửa ở mức gần thấp nhất trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản tăng khá và cao hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên bán tiếp tục mạnh lên, và xu hướng siêu ngắn hạn trở nên xấu đi. Do đó, khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trong phiên hôm nay 7/7.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 7/7, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.120 – 1.125 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.110 – 1.115 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Còn các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá, về góc nhìn kỹ thuật, trong 3 phiên gần nhất, VN Index đã hình thành mẫu hình nến tương tự mẫu hình evening star báo hiện rủi ro điều chỉnh đã tăng lên. Thêm vào đó, tại khung đồ thị ngày, chỉ báo MACD và RSI đồng loạt cho tín hiệu phân kỳ 3 đoạn cho thấy xác xuất cao thanh khoản bán chủ động sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong các phiên tới.
“Với diễn biến hiện tại, vùng hỗ trợ gần nhất của thị trường vẫn được xác định nằm quanh khu vực 1.115 – 1.120 (đây cũng là điểm giao cắt với đường trung bình độ MA20). Nếu thị trường không giữ vững được vùng điểm này thì khi đó rủi ro sẽ ở mức cao. Do đó, các nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.
Kết phiên giao dịch ngày 6/7, VN-Index đóng cửa ở mức 1.126 điểm (-0,74%) sau khi giảm khá mạnh từ 1.135 điểm về vùng 1.120 điểm và phục hồi nhẹ trở lại. HNX-Index giảm 2,76 điểm (-1,21%), về mức 225,08 điểm. Độ rộng thị trường trên hai sàn trở nên tiêu cực hơn sau áp lực bán gia tăng với tổng cộng 447 mã giảm giá (10 mã giảm sàn), 138 mã tăng giá (4 mã tăng trần) và 100 mã giữ giá tham chiếu. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 20.465,21 tỷ đồng, tăng 9,49% so với phiên trước vượt mức trung bình, thể hiện áp lực bán gia tăng mạnh khá đột biến ở nhiều mã.
Thị trường đón nhận thông tin kém tích cực khi thị trường xuất nhập khẩu lớn Trung Quốc với Chỉ số Caixin/S&P tháng 6/2023 rơi xuống mức 50,5 điểm từ mức 50,9 điểm của tháng 5/2023. Nhóm cổ phiếu có diễn biến kém tích cực nhất là dịch vụ tài chính, chứng khoán khi VND (-6,48%) chịu áp lực bán mạnh đột biến với khối lượng khớp lệnh kỷ lục 105 triệu cổ phiếu, tiếp theo là APS (-9,21%), VIX (-2,61%), CTS (-1,39%)... trong khi vẫn có những mã tăng giá như VCI (+2,42%), MBS (+1,55%), BSI (+1,28%)...
Các cổ phiếu nhóm bất động sản hầu hết chịu áp lực bán khá mạnh với thanh khoản vượt mức trung bình. Các mã nhóm dầu khí sau giai đoạn tăng giá tốt cũng chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình như: PVG (-3,88%), PVC (-2,66%), PVS (-2,36%), PVB (-1,96%)... ngoài GAS (+0,95%) với thanh khoản đột biến khá tích cực.
Minh An (T/h)