Việc đổ bộ một lúc nhiều bộ phim cho thấy nhiều nhà sản xuất đã không còn coi dịp lễ, Tết là thời điểm “vàng” để đưa phim ra rạp, nhất là đối với các bộ phim không mang tính giải trí cao hoặc phim làm về đề tài kinh dị. Vì thế, thay vì chọn dịp cuối năm thì đưa phim ra rạp vào các tháng khác trong năm cũng được xem là sự lựa chọn an toàn, hạn chế rủi ro về mặt doanh thu.
Điều đặc biệt ở đây chính là tháng 8 năm nay trùng vào tháng 7 Âm lịch – vốn được xem là tháng “cô hồn” theo quan niệm của nhiều nước phương Đông, làm gì trong tháng này cũng dễ gặp vận xui. Bởi vậy, việc các đơn vị sản xuất không ngại đưa phim ra rạp vào tháng này cũng được xem là một sự dũng cảm, phá bỏ rào cản tâm lý kể trên.
Tuy nhiên, 4 phim “made in Vietnam” ra rạp trong tháng này có doanh thu khá khiêm tốn, thậm chí là thất bại.
“Song Lang” là 1 trong 4 bộ phim thất bại đáng tiếc nhất vì bộ phim này được giới chuyên môn, truyền thông lẫn khán giả khen ngợi rất nhiều và thậm chí còn được kỳ vọng đủ sức gây ấn tượng nếu được chọn là đại diện phim Việt tranh giải Oscar. Tuy nhiên, kỳ vọng là vậy nhưng sau 2 ngày ra rạp, các suất chiếu của phim ở nhiều rạp buộc phải cắt bớt đi vì không đáp ứng đủ số lượng người xem.
Đối với một bộ phim muốn biết thành công hay không chỉ cần nhìn vào doanh thu mà nó mang về. Cho nên với doanh thu như hiện tại thì có thể nói rằng bộ phim “Song Lang” của Ngô Thanh Vân đứng ra sản xuất đã thất bại. Không một nhà sản xuất nào muốn đứa con tinh thần của mình không được khán giả đón nhận nhưng sự thật là như vậy thì vẫn phải chấp nhận. Tất nhiên, lỗi không phải do “tháng cô hồn” mà bởi bản thân bộ phim cải lương và đam mỹ này tự thân nó đã kén khán giả, lại không phải phim mang màu sắc thị trường mà thiên hướng nghệ thuật rõ rệt.
Trong số 3 phim còn lại thì thì chỉ có bộ phim, “Chàng vợ của em” do Charlie Nguyễn sản xuất và Thái Hòa đóng vai nam chính đang dẫn đầu về mặt doanh thu. Sau chưa đầy 2 tuần công chiếu ngoài rạp (cộng thêm một số suất chiếu sớm), bộ phim này đã bán được 1 triệu vé và đang thu về 70 tỷ đồng cho nhà sản xuất cùng đơn vị phát hành. Doanh thu này so với “Em chưa 18” (bộ phim trước đó mà Charlie Nguyễn sản xuất) thì chưa thấm vào đâu, song so với các phim ra rạp trong tháng 8 vừa qua thì lại là kỷ lục.
Hai phim còn lại ra rạp vào tháng 8/2018 (Trường học Bá vương, Tìm vợ cho bà) sau khi ra rạp đều khá kín tiếng về doanh thu – đây là một cách để người ta ngầm hiểu phim doanh thu không cao, hoặc không ngoại trừ khả năng bị lỗ.
Một lần nữa, sự thắng thế về mặt doanh thu của phim giải trí so với phim nghệ thuật được nhìn nhận rõ ràng. Tuy nhiên, không phải phim giải trí nào cũng đem về doanh thu cao cho nhà sản xuất, nhất là vào thời điểm tháng 8 phải cạnh tranh với rất nhiều phim “bom tấn” ngoại nhập. Bởi vậy, doanh thu mà “Chàng vợ của em” đạt được tuy có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà sản xuất nhưng có thể xem là kỳ tích đối với phim Việt ra rạp trong tháng 8 vừa qua.
Hằng Vương