Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp giữa Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của doanh nghiệp, năm 2019, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, hoàn thiện cơ chế đánh giá tuân thủ đối với 4 nhóm đối tượng thuộc người khai hải quan và nhóm doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng.
Đồng thời, công khai tiêu chí đánh giá phân loại mức độ tuân thủ và các nội dung quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc quốc gia, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID Việt Nam), Thông tư 81/2019/TT-BTC là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về quản lý rủi ro tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp bảo đảm an ninh thương mại và tạo thuận lợi thương mại mà còn tạo ra môi trường thương mại và đầu đầu tư hấp dẫn hơn, dễ dự đoán hơn…
Tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết, dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã giúp Tổng cục Hải quan cải tiến hệ thống quản lý rủi ro; bảo đảm các bên liên quan sẵn sàng thực hiện và tuân thủ các quy định mới về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan.
Theo Cục Quản lý rủi ro, ngoài yếu tố tuân thủ pháp luật về hải quan, một trong các vấn đề mà doanh nghiệp thường bỏ qua là không phối hợp, hợp tác với cơ quan hải quan để cung cấp đầy đủ thông tin hồ sơ doanh nghiệp. Chính vì thế, gây cản trở cho quá trình thu thập thông tin đánh giá của cơ quan hải quan.
Do đó, doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ hơn về việc cung cấp thông tin hồ sơ cho cơ quan hải quan. Điều này nhằm giúp cơ quan hải quan đánh giá đúng, chính xác về mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Từ đó, áp dụng đúng biện pháp kiểm tra hoặc áp dụng biện pháp ưu đãi, tạo thuận lợi trong kiểm tra hải quan.
Cũng theo Cục Quản lý rủi ro, Thông tư 81/2019/TT-BTC về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan, Thông tư áp dụng cho cả cơ quan hải quan và khu vực tư nhân. Theo đó, trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp bị đánh giá là doanh nghiệp không tuân thủ đều do doanh nghiệp có thông tin vi phạm pháp luật.
Những hành vi vi phạm pháp luật, dù là chủ quan hay khách quan, đều được cơ quan hải quan cập nhật đưa vào hệ thống xem xét và đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm và thực hiện kiểm soát nội bộ đầy đủ, nhằm hạn chế và chấm dứt các hành vi có thể dẫn đến vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm…
Thời gian qua, để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật, cơ quan hải quan thường xuyên hỗ trợ thông qua việc thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với doanh nghiệp về tình trạng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, từ đó xác định những vấn đề mà doanh nghiệp cần điều chỉnh để duy trì trạng thái tuân thủ hoặc cải tiến để chuyển thành trạng thái tuân thủ, nhằm đạt được những ưu đãi dành cho doanh nghiệp tuân thủ.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề thực thi quản lý rủi ro trong quản lý hải quan về các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan…
Theo đó, những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo đã được lãnh đạo Tổng cục Hải quan trả lời, giải thích một cách rõ ràng và cụ thể. Với các kiến nghị của doanh nghiệp, cơ quan hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thực quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan.
Trúc Mai