Chiều 06/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 02 về giải ngân vốn đầu tư công đã họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg, ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 cho 6 địa phương gồm: Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang là 27.463 tỷ đồng.
Về giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/11/2021, tổng hợp theo số liệu báo cáo của các địa phương, số vốn giải ngân kế hoạch năm 2021 của 6 địa phương trên là 13.740 tỷ đồng, đạt 50,3% so với kế hoạch và thấp hơn bình quân cả nước (60,86%). Trong đó có 02 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch (TP. Cần Thơ giải ngân 30,1%, Kiên Giang giải ngân 45,2%); tỉnh Hậu Giang có mức giải ngân cao, đạt 74,4% kế hoạch; còn lại, tỉnh Trà Vinh giải ngân 65,9%, tỉnh Long An giải ngân đạt 58,6%; tỉnh Sóc Trăng đạt 54,2% kế hoạch…
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc, qua đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Các tỉnh: Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng cam kết phấn đấu sẽ giải ngân đạt trên 95% theo kế hoạch đề ra; TP. Cần Thơ phấn đấu giải ngân đạt 70-71%; tỉnh Kiên Giang phấn đấu giải ngân cả năm sẽ đạt được khoảng 83%,…
Tại cuộc họp, đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng,… đã phát biểu giải đáp các kiến nghị của tỉnh, thành phố; phân tích, đánh giá nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án cụ thể của từng địa phương.
Tổng hợp lại ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương, tình hình trong năm 2021, bên cạnh những thuận lợi, có rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các tỉnh phía Nam.
Theo báo cáo, toàn vùng đã giải ngân trên 50%, trong đó có địa phương giải ngân rất cao như tỉnh Hậu Giang; có tỉnh giải ngân trên mức bình quân chung của cả nước; một số tỉnh tuy giải ngân thấp hơn, nhưng cũng xấp xỉ gần bằng mức bình quân chung của cả nước, tuy nhiên vẫn có địa phương mức giải ngân còn thấp.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành, địa phương đã đánh giá rõ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là tìm ra các nguyên nhân. Theo Phó Thủ tướng, các ý kiến tại cuộc họp đã nêu những nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc lớn liên quan đến: Trình tự thủ tục chuẩn bị, tiến hành tổ chức đấu thầu, triển khai dự án; năng lực của nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn, giám sát,…; công tác giải phóng mặt bằng; tác động do tăng giá nguyên vật liệu xây dựng; vướng mắc liên quan đến các dự án ODA;…
Một khó khăn nữa được các ý kiến đề cập là do tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19 đối với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Về nhận định này, Phó Thủ tướng đề nghị “cần đánh giá sâu hơn”. Tại sao trong cùng khu vực nhưng có tỉnh giải ngân cao, có địa phương lại rất thấp, nguyên nhân do đâu? Phó Thủ tướng nêu vấn đề và đề nghị các địa phương có tiến độ giải ngân chậm phải làm rõ hơn, đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, việc giải ngân chậm có nguyên nhân khách quan, nhưng cơ bản là khâu tổ chức thực hiện, sự quyết liệt của các ngành, các cấp, đặc biệt là các chủ đầu tư chưa sát sao, cấp trên chưa kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Đối với 4 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An, đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ là đến 31/01/2022 tối thiểu giải ngân đạt 95%, thì phải cố gắng đạt được như mức tối thiểu Nghị quyết 63 đã đề ra.
Đối với thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, hai địa phương lớn nhất của khu vực, Phó Thủ tướng yêu cầu phải nỗ lực cao hơn, phấn đầu cao hơn; theo đó, cần phải rà soát lại tất cả các dự án, xem vướng mắc ở khâu nào, đánh giá nguyên nhân, giao cho người có trách nhiệm, để tháo gỡ kịp thời, nhằm giải ngân nhanh nhất trong thời gian còn lại theo quy định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu 02 địa phương phải làm việc với các nhà thầu, yêu cầu các nhà thầu phải có kế hoạch, từng hạng mục, dự án phải theo dõi sát sao, giám sát chặt chẽ, có cam kết rõ ràng về tiến độ; đồng thời có giải pháp tăng ca, tăng kíp, tăng cường nhà thầu phụ,… nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.
Liên quan đến thủ tục, hồ sơ thanh toán, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để làm thủ tục quyết toán công trình để giải ngân.
Phó Thủ tướng yêu cầu, các ngành, các cấp sau khi kiểm tra, phải gắn trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ công chức có liên quan; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra công vụ trách nhiệm thực hiện công vụ, không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà; nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật, nếu có những vướng mắc, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi kịp thời.
Theo Chinhphu.vn