Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Theo báo cáo của BCĐ 138/CP, 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng trung ương và các địa phương đã chủ động triển khai toàn diện công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 19.720 vụ tội phạm xâm phạm xã hội, bắt 45.004 đối tượng; triệt phá 1.013 băng nhóm tội phạm các loại; phát hiện, bắt giữ 14.032 vụ với 19.738 đối tượng phạm tội về ma túy; phát hiện 13.747 vụ/14.389 tổ chức, cá nhân phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường…
Đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh. Qua đó, nhiều vụ vi phạm, nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm buôn lậu đã được phát hiện, triệt phá.
Các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019), khởi tố 1.128 vụ với 1.346 đối tượng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và lãnh đạo một số địa phương đã phát biểu, làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trương Hòa Bình biểu dương những kết quả trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mà các bộ, ngành, các địa phương đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong 6 tháng đầu năm: Các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm phạm pháp về ma túy vẫn tăng và ngày càng diễn biến phức tạp; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn chưa được kiểm soát triệt để; đặc biệt là tình trạng buôn lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, vi phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng; có nơi, có lúc chưa quyết liệt trong công tác xử lý; vẫn còn hiện tượng bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.
Quang cảnh hội nghị
Phó Thủ tướng yêu cầu: Thời gian tới, các bộ, ngành trung ương, các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm.
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Rà roát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng mạnh chế tài xử lý. Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật.
Đề cao vai trò người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các lực lượng, trong đó chủ công là lực lượng công an cần thực hiện tốt công tác bám, nắm địa bàn, tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân; lực lượng công an và các lực lượng khác cần tập trung ngăn ngừa, triệt phá các loại tội phạm; phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong công tác chống buôn lậu, thời gian tới, các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình về hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên các vùng trọng điểm; xử lý nghiêm các vụ việc, các đối tượng buôn lậu; xử lý nghiêm cán bộ có hành vi bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu; tăng cường thanh tra công vụ; phát huy hơn nữa vai trò của người dân trong tố giác, phòng chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại…
Nguyễn Kiên