THCL Bạo lực gia đình là một hiện tượng tiêu cực đi ngược lại những giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hóa tốt đẹp của người Việt và việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội và tiến bộ xã hội của Đảng và Nhà nước. Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2020 của mạng lưới quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) do Bộ VHTTDL tổ chức đã diễn ra tại Hạ Long trong 2 ngày mùng 9 và mùng 10/6/2016.

Với sự tham gia của đại diện nhiều Bộ Ban Ngành, trung ương, địa phương cùng với đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam(UNFPA), hội thảo đã cụ thể hóa được Quy chế phối hợp liên ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5.2015, xác định mục tiêu của mạng lưới trong những năm tới trước tình hình thực tiễn đang có nhiều thay đổi đối với công tác PCBLGĐ.

Tại buổi hội thảo, TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình đã đánh giá khái quát công tác PCBLGĐ từ khi có Luật PCBLGĐ năm 2007. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về gia đình và PCBLGĐ, Bộ VHTTDL đã tích cực tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, các đề án, Chương trình cấp quốc gia và của Bộ VHTTDL nhằm từng bước đưa Luật PCBLGĐ vào cuộc sống. Gần 7 năm thực hiện, VN đã thu được những thành tựu đáng khích lệ. Hệ thống pháp luật về PCBLGĐ đã dần hoàn thiện, nhận thức của toàn xã hội về bạo lực gia đình đã không ngừng được tăng lên. Tỷ lệ bạo lực đã có xu hướng giảm. Có được kết quả này là sự chung tay, góp sức của nhiều Bộ, ngành từ TƯ tới địa phương, của từng mỗi cá nhân thành viên trong gia đình... Năm 2014, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Bộ VHTTDL đã chính thức xây dựng mạng lưới quốc gia về PCBLGĐ. Việc thiết lập và vận hành mạng lưới quốc gia PCBLGĐ là phương thức hữu hiệu giúp điều phối các hoạt động thuộc lĩnh vực một cách khoa học; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; huy động tối đa các nguồn lực và tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, cùng lúc tác động sâu rộng tới các nhóm đối tượng đích để đạt được hiệu quả cao nhất. Một ví dụ điển hình trong hoạt động của mạng lưới chính là thành công của chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ được tổ chức rộng khắp và có tính kết nối trong suốt những vừa qua, tạo hiệu ứng xã hội to lớn. Có thể nói mạng lưới quốc gia về PCBLGĐ đã tích cực hoạt động, tích cực chia sẻ thông tin làm cho hoạt động của nó ngày càng gắn kết, tạo hiệu quả to lớn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt quy chế phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ là một bước thể chế hóa hơn nữa, quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành trong công tác PCBLGĐ.

Bà Ritsu Nacken, Phó trưởng đại diện UNFPA Việt Nam đã nhận định: “Tôi đánh giá rất cao sự góp mặt của Vụ gia đình – Bộ VHTTDL cùng các Bộ Ban ngành trong công tác hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt trong việc liên kết các ban ngành, địa phương trong việc phòng chống bạo lực gia đình, sự phối hợp cả theo ngành ngang và ngành dọc. Theo ngành ngang thì đó là sự phối hợp ở các cấp trung ương, các Bộ, có Liên hiệp Hội phụ nữ, Hội nông dân.. Kể cả các tổ chức xã hội dân sự. Bên cạnh đó sự phối hợp theo ngành dọc từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, cấp xã đều hết sức cần thiết. Điều đó khẳng định trách nhiệm PCBLGĐ, bình đẳng giới là trách nhiệm không của riêng ai !

Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ để giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng mạng lưới này sẽ hoạt động hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống bạo lực gia đình trong những năm tới.”

Ủy ban dân số UNFPA, đã phối hợp với Bộ VHTTDL triển khai các gói hỗ trợ thí điểm cho nạn nhân bạo lực gia đình tại Hải Dương và Bến Tre. Phó trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng kiến nghị thực hiện các hoạt động tổ chức giám sát cán bộ nguồn về phòng chống bạo lực gia đình, tìm ra các chiến lược mới để gây quỹ cho hoạt động PCBLGĐ. Đặc biệt là phải thay đổi tư duy, nhận thức, từ đó sẽ thay đổi được hành vi.

Ông Lê Văn Tuấn, Bộ Công tác Học sinh/Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: “ Các Bộ ngành, cơ quan liên quan sẽ phải có cơ chế phối hợp liên ngành theo ngành dọc để kết nối 7 đề án của 7 bộ, ban ngành. Vai trò các tổ công tác liên ngành sẽ phải có sự phân công cụ thể, kết nối, cơ chế rõ ràng , từ đó tác động trực tiếp đến với từng hộ gia đình.. Bộ Giáo dục cũng có vai trò quan trọng trong việc định hướng học sinh, sinh viên, định hướng, giáo dục cha mẹ, nhà trường trong công tác xây dựng, phát triển gia đình”

Bộ VHTTDL sẽ ban hành, hướng dẫn các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ triển khai Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá thực hiện nhiệm vụ về PCBLGĐ theo từng giai đoạn. Tích cực chủ động, phối hợp nhịp nhàng, sáng tạo về cách thức thực hiện cũng như đề cập trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phối hợp liên ngành là những vấn đề mà Bộ VHTTDL mong muốn các Bộ, ban ngành, cơ quan, tổ chức cùng thực hiện để tạo nên sức mạnh tổng hợp triển khai tốt công tác PCBLGĐ trong thời gian tới.

K.Hoa