Vì vậy, bên cạnh việc cảnh báo sớm từ các cơ quan chức năng về mặt hàng, ngành hàng có nguy cơ cao, thì việc nâng cao kiến thức, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà NK - là một trong những giải pháp quan trọng...
Các vụ việc tăng nhanh
Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 năm gần đây (2017 - 2023), số lượng vụ việc phòng vệ thương mại tăng nhanh hơn nhiều so giai đoạn trước đó.
Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa XK của Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mà Việt Nam đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Ước tính, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam bị kiện từ năm 2017 đến nay, chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà Việt Nam đã phải đối diện từ trước đến nay.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thu Trang đánh giá, giai đoạn cuối 1990, đầu những năm 2000, những mặt hàng bị kiện, chủ yếu có kim ngạch XK lớn và có thế mạnh trong XK, hoặc là mặt hàng XK trọng điểm như thủy sản, giày dép… Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng mặt hàng và lĩnh vực của các ngành hàng bị kiện phòng vệ thương mại đã mở rộng hơn nhiều, hiện có tới gần 40 mặt hàng đã bị kiện phòng vệ thương mại, trong đó có những mặt hàng kim ngạch không quá lớn.
Thậm chí, trước đây, chỉ ở những thị trường XK trọng điểm mới bị kiện phòng vệ thương mại, nhưng đến nay thì các thị trường khác, kể cả những thị trường mới có số vụ việc phòng vệ thương mại cũng chiếm tỷ lệ rất lớn. Cụ thể, trong tổng số 235 vụ việc (tính đến tháng 8/2023), Hoa Kỳ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ 14%, Thổ Nhĩ Kỳ 10%, sau đó là Canada, Philippines, Indonesia, các nước EU.
Mặc dù các ngành hàng như sắt, thép hay nhôm, không phải nhóm mặt hàng XK trọng điểm của Việt Nam, nhưng theo VCCI, đây lại là nhóm mặt hàng tập trung nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới, vì thế, Việt Nam cũng chịu liên đới về phòng vệ thương mại.
Mặt khác, một số mặt hàng của Việt Nam đang gia tăng năng lực cạnh tranh và gây sức ép lên các ngành sản xuất nội địa ở thị trường XK (có thể từ việc tận dụng những ưu đãi về mặt thuế quan thông qua các hiệp định thương mại tự do), hoặc do Việt Nam đang cải thiện năng lực, thì những mặt hàng đó cũng đứng trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại. Do đó, việc cảnh báo sớm, sẽ giúp DN có thêm điều kiện, giảm thiểu được thiệt hại.
Bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại là nhằm đến các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng NK, hoặc là do hàng NK gia tăng với khối lượng đột biến không thể lường trước được. Trên cơ sở đó, nước NK sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng.
Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, để gia tăng khả năng sản xuất và XK bền vững, các DN cần xem xét đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, giảm phụ thuộc cạnh tranh về giá, đồng thời chuyển sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ...
Đưa ra cảnh báo xuất khẩu
Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, Cục thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo sớm một số mặt hàng XK có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Bên cạnh đó, việc cảnh báo sớm còn bao gồm nhiều hoạt động được triển khai một cách đồng bộ và thường xuyên như đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng vệ thương mại một cách tổng quát và chuyên sâu cho các đối tượng liên quan như DN sản xuất và XK, hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại trung ương và địa phương.
Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại, như là các thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại trên thế giới, thay đổi về xu hướng phòng vệ thương mại hay các thông lệ quốc tế mới về phòng vệ thương mại để các DN, hiệp hội liên quan có sự cập nhật kịp thời.
Tuy nhiên, ông Trịnh Anh Tuấn cũng chỉ ra rằng, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể về mức độ nhận thức của cộng đồng DN về biện pháp phòng vệ thương mại; nhưng mức độ hiểu biết nói chung của DN về phòng vệ thương mại vẫn còn hạn chế, ở cấp độ ngành nghề cụ thể, còn hạn chế hơn, do đó ảnh hưởng tới việc hợp tác, phối hợp cung cấp thông tin khi xây dựng hồ sơ đề nghị điều tra.
Vì thế, để áp dụng được biện pháp này, cần có sự liên kết, hợp tác giữa các DN trong ngành, nhằm đảm bảo yêu cầu về quy định pháp lý như tính đại diện khi nộp hồ sơ, tính đại diện của ngành sản xuất trong nước…
Trước xu thế gia tăng của bảo hộ thương mại, để tránh nguy cơ mất thị phần trong nước, cũng như tăng cường XK, ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Phòng vệ Thương mại) đã và đang triển khai:
Tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN xử lý, ứng phó hiệu quả với vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa XK của Việt Nam, thông qua hoạt động đa dạng (cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý);
Trao đổi kịp thời với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin cập nhật - giúp DN nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho DN.
Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại đã trao đổi, tham vấn - đưa ra quan điểm của Việt Nam về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc với cơ quan điều tra của nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ngoài ra, Cục Phòng vệ Thương mại còn xem xét khởi kiện biện pháp phòng vệ thương mại của cơ quan điều tra nước ngoài, nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, hoạt động này, đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh DN không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN XK. Nhờ đó, các DN XK không bị áp thuế phòng vệ thương mại, hoặc bị áp thuế ở mức thấp so cáo buộc ban đầu, hoặc so các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường XK.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, ông Trịnh Anh Tuấn khuyến nghị, các DN cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh của các nước XK, nhất là với các thị trường mục tiêu.
Mặt khác, các DN phải thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương, để có hành động sớm, kịp thời và có chiến lược XK phù hợp; đồng thời thiết lập các kênh thông tin với đối tác, hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý vụ kiện, tình huống phát sinh.
Đi liền đó là việc đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, tránh tăng trưởng XK quá nóng vào một thị trường, nhất là với thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, hoặc đã từng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa XK của Việt Nam…
Bùi Quyền