Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú ThọTrịnh Thế Truyền trình bày tham luận tại đại hội TUV,Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú ThọTrịnh Thế Truyền trình bày tham luận tại đại hội 

Trong giai đoạn 2015-2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 song cơ bản tỉnh Phú Thọ đã đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng của tỉnh duy trì ở mức khá; cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển khá toàn diện. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đạt 125.285 tỷ đồng (gấp 1,87 lần giai đoạn trước). Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và đào tạo. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đạt kết quả khả quan, từ vị trí 35 (năm 2015) lên thứ 26 (năm 2019), vươn lên nhóm khá của cả nước và thứ 3 của khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ.

Hoạt động đầu tư của các thành phần kinh tế có chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp được cấp mới đăng ký kinh doanh ước đạt 3.600 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 21.000 tỷ đồng, nâng tổng số lên trên 8.700 doanh nghiệp, đứng thứ hai trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Thu hút thêm gần 700 dự án đầu tư tư nhân, tổng vốn đăng ký thực hiện 48.000 tỷ đồng (bằng 3,6 lần về số dự án và 2,4 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011 - 2015). Kết quả thu hút đầu tư đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,86%/năm (cao hơn giai đoạn 2011-2015, đạt 6,95%); quy mô GRDP năm 2020 theo giá hiện hành ước tăng 1,7 lần so với năm 2015, tạo tiền đề cho tỉnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Giai đoạn 2020-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, việc xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH của cả nước nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng trong giai đoạn này là vừa thực hiện quyết liệt, hiệu quả “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong Báo cáo Chính trị trình trước Đại hội tỉnh đã thể hiện rõ ý chí, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt bình quân 7,5%/năm.

Để thực hiện các mục tiêu giai đoạn 2020- 2025, vấn đề mấu chốt, quyết định cho tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững là huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển - đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cần tập trung chỉ đạo để đáp ứng nhu cầu đầu tư tăng gấp 1,5 đến 2 lần giai đoạn 2015- 2020.

Ngành KH&ĐT đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng kết cấu hạ tầng giữa tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong khu vực; tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; gắn sắp xếp, chỉnh trang đô thị với tạo quỹ đất kinh doanh ở các huyện, thành, thị. Lập quy hoạch xây dựng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị ở vùng kinh tế động lực thành phố Việt Trì - thị xã Phú Thọ, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Hạ Hòa… để thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành nghề phi nông nghiệp. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng cường liên kết giữa tỉnh Phú Thọ với các địa phương.  

Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng. Tiếp tục triển khai thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, vận động thu hút các dự án ODA để tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. 

Xây dựng, rà soát, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo lập một môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng nhằm huy động hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là xây dựng “Chính phủ điện tử” nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Tạo cơ chế để đẩy mạnh huy động vốn đầu tư bất động sản từ các nhà đầu tư kinh doanh cá nhân có tiềm lực tài chính và có kinh nghiệm về thị trường bất động sản. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ Năm BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân; ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. 

Cùng với đó, thực hiện chính sách xã hội hóa để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, khu vực dân cư và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng như Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản liên quan. Việc thu hút vốn FDI của tỉnh cần chú ý dựa trên yêu cầu hình thành mũi nhọn và sản phẩm chủ lực. Xây dựng chính sách thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, hiệu quả sử dụng đất cao… 

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút mạnh hơn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực lợi thế như cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin; phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao thành trung tâm dịch vụ của vùng; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, hướng vào những đối tác lớn, nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng. 

Nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề với các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 


Với nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, tin rằng Phú Thọ sẽ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2020- 2025, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Hoan Nguyễn