THCL Người dân sinh sống gần khu vực Công ty cổ phần Giấy Việt Trì khổ sở vì Công ty xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Ngày 01/4/2015, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ có biên bản kết luận: Nước thải sau hệ thống xử lý của Công ty tại thời điểm kiểm tra còn vượt so với quy chuẩn cho phép…
Công ty cổ phần Giấy Việt Trì
Đầu độc môi trường
Ngày 17/3/2015, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phú Thọ ban hành Quyết định số 45/QĐ-BTNMT thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở trên địa bàn thành phố Việt Trì, trong đó có Công ty CP Giấy Viết Trì.
Chất thải rắn của Công ty CP Giấy Việt Trì để ngoài trời phơi mưa, nắng không mái che
Ngày 01/04/2015, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra xác định, kết luận tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty như sau: Không thực hiện chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có giấy phép quản lý chất thải nguy hại quá 12 tháng kể từ ngày phát sinh chất thải nguy hại để vận chuyển, xử lý tiêu hủy theo quy định; Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại 6 tháng cuối năm 2014, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Kết quả quan trắc phân tích mẫu nước thải sau hệ thống xử lý của Công ty tại thời điểm kiểm tra còn vượt so với quy chuẩn cho phép, cụ thể: So sánh với QCVN12:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giất (cột A) cho thấy thông số chất hữu cơ BOD5 vượt 1,26 lần; COD vượt 1,16 lần; TSS vượt 1,34 lần.
Theo kết quả quan trắc, phân tích môi trường 6 tháng cuối năm 2014, đối với mẫu nước thải Công ty do Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ thực hiện ngày 28.10.2014, nhận xét kết quả chất lượng môi trường nước là:
Nước mặt: So sánh với QCVN 08:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mặt nước (cột B1), cho thấy: Thông số ô nhiễm chất hữu cơ COD là 31,2 mg/L vượt 1,04 lần; BOD5 là 20,7mg/L vượt 1,38 lần; chất rắn lơ lửng là 129mg/L vượt 2,74 lần.
Xả thải thời gian dài
Trao đổi với PV, ông Đào Minh Hải – Phó phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ, (sau một hồi tìm kiếm văn bản) đã cung cấp cho chúng tôi: Báo cáo công tác môi trường và kết quả quan trắc phân tích môi trường 6 tháng đầu năm 2014, và cho biết: “Công ty không nộp báo cáo công tác môi trường 6 tháng cuối năm 2014”.
Ngày 12/5/2015, làm việc với PV về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Hồng Hà – Phó
Tổng giám đốc Công ty khẳng định: “Về Khí thải, từ năm 2011 đến nay Công ty chuyển sang lò hơi đốt bằng gỗ, mùn cưa, không đốt bằng than như trước đây, khí thải đảm bảo tuyệt đối”.
Trái ngược với khẳng định của ông Nguyễn Hồng Hà, kết quả quan trắc, phân tích môi trường Công ty ngày 28/10/2014 do Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ thực hiện ghi rõ: Chất lượng không khí: Thông số bụi lơ lửng từ 0,459 – 0,565mg/m3 vượt 1,53 – 1,88 lần.
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty Cổ phần Giấy Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Về việc Công ty chưa nộp báo cáo công tác môi trường 6 tháng cuối năm 2014, ông Nguyễn Hồng Hà tuyên bố: “Chuyện nói công ty không báo cáo thì các ông có tội, chứ bọn tôi chả có tội. Các ông là người giám sát nhà nước, tôi không báo cáo, các ông không phạt, không nhắc nhở gì là vô lý? Các ông trả lời thế là trả lời bố láo, xin lỗi anh, mấy ông ở Sở TN&MT nói thế là bậy, mà anh có thể phang các ông ấy luôn; tại sao ông quản lý nhà nước kiểu gì mà bây giờ nói công ty không báo cáo, mà các ông không có ý kiến, phải có văn bản yêu cầu báo cáo, không thì phạt người ta (công ty – PV) đi”.
Về vấn đề nước xả thải của Công ty, ông Nguyễn Hồng Hà tự hào khoe: “Toàn bộ nước thải của Giấy Việt Trì được thu gom qua hệ thống xử lý, có thể nói tiêu chuẩn nhất nhì miền bắc này, chẳng phải đơn giản”.
Tuy nhiên, ngày 15/01/2015, chính ông Nguyễn Hồng Hà đã ký Báo cáo số 46/BCMT-GVT - Báo cáo công tác môi trường năm 2014, gửi Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Mặc dù Công ty đã cố gắng trong việc vận hành, nghiên cứu các hóa chất phù hợp cho hệ thống xử lý nước thải nhưng một số chỉ tiêu chất lượng nước thải chưa đạt tiêu chuẩn theo quyết định phê duyệt ĐTM.
Trả lời PV về việc từ ngày Công ty hoạt động đến nay, nước xả thải của Công ty theo tiêu chuẩn QCVN 12:2008/BTNMT đạt ở mức nào? Ông Nguyễn Hồng Hà nói: “Tiêu chuẩn nước thải ra đạt tiêu chuẩn A ngành giấy, còn tiêu chuẩn A của Việt Nam công ty tôi không đạt, chỉ đạt B. Từ trước đến nay cũng có lúc nước thải đạt tiêu chuẩn, nhưng số lần nước thải đạt ít”. “Chất thải rắn là băng dính, ni lông dán ở bao bì được tái chế làm hạt nhựa”. ông Hà cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Minh Hải - Quản đốc phân xưởng môi trường của Công ty cổ phần Giấy Việt Trì, cho biết: Rác thải của Công ty là ni lông được 1 đơn vị tư nhân khác xin lại để tái chế hạt nhựa. Đơn vị tái chế hạt nhựa không liên quan đến Công ty, mà được cấp phép bởi Thành phố.
Người dân hai phường Bến Gót và Thọ Sơn của thành phố Việt Trì, bức xúc phản ánh: Không chỉ có Giấy Việt Trì gây ô nhiễm môi trường mà còn nhiều công ty khác nữa như: Nhôm Sông Hồng, Hóa Chất Việt Trì, Pangrim…đề nghị Thành phố xử lý các công ty gây ô nhiễm môi trường. Có mặt tại khu vực các nhà máy nêu trên, chúng tôi cảm nhận được mùi hóa chất, mùi xú uế, khói bụi, tiếng ồn của Công ty Hóa chất…
Để ổn định và đảm bảo đời sống sức khỏe cho cộng đồng dân cư, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ và UBND Tp Việt Trì có biện pháp, chế tài xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Công ty cổ phần Giấy Việt Trì và các công ty nêu trên.
Hoan Nguyễn