Huyện Đoan Hùng, bưởi được xác định là cây trồng chủ lực với sản lượng quả năm 2019 ước đạt 20.000 tấn
Nhằm khai thác lợi thế thổ nhưỡng đất ở từng vùng, từng địa phương, những năm qua, ngoài diện tích bưởi đặc sản Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng loạt trồng giống bưởi Diễn nhằm phát triển cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực.
Đồng thời, hình thành vùng cây ăn quả, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, cải tạo các vườn bưởi già cỗi, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tiếp tục xây dựng thương hiệu… để mở hướng đi mới cho cây trồng này.
Thanh Thủy là một trong những huyện triển khai trồng bưởi diễn với quy mô khá lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Xác định là cây trồng mũi nhọn, những năm gầy đây, Thanh Thủy đã thực hiện quy hoạch, phát triển cây ăn quả thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều gia đình đã chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng cây bưởi có giá trị cao.
Xã Trung Nghĩa là một trong những xã có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây ăn quả, nhất là cây bưởi của huyện Thanh Thủy. Năm 2017, toàn xã có gần 40ha bưởi, đến năm 2019 diện tích bưởi của xã đã tăng lên gần gấp đôi; trong đó có tới 70% diện tích là bưởi Diễn. Tại xã Trung Nghĩa, đã có một số hộ dân thành công trong việc liên kết sản xuất thực phẩm sạch, chất lượng cao, đem lại thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm...
Tại huyện Đoan Hùng, bưởi được xác định là cây trồng chủ lực với sản lượng quả năm 2019 ước đạt 20.000 tấn, tăng 25% so với năm 2018, giá trị sản phẩm ước đạt trên 300 tỷ đồng. Tổng diện tích bưởi hiện có trên địa bàn huyện đạt trên 2.450ha; trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.600ha...
Năm 2016, tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch 5023/KH-UBND ngày 03/11/2016 về việc phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng và bưởi diễn giai đoạn 2016 – 2020.
Chính sách thiết thực này đã đi vào cuộc sống, được chính quyền và nhân dân đồng tình thực hiện, diện tích bưởi ngày một mở rộng, nhiều mô hình mới được chuyển giao, tạo việc làm cho khá nhiều lao động; đồng thời đã phát huy tốt hiệu quả sử dụng đất và các thế mạnh của mỗi địa phương.
Thông qua đó, bưởi đặc sản Đoan Hùng đã không ngừng được mở rộng diện tích, người dân ý thức hơn trách nhiệm về giá trị nông sản quý của quê hương.
Xác định bưởi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, xây dựng các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, chính sách hỗ trợ để phát triển. Từ năm 2016 đến nay, trên 20 tỷ đồng được huy động hỗ trợ cho phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh từ các nguồn kinh phí khác nhau.
Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Phú Thọ cho biết, phát triển cây bưởi thành vùng hàng hóa lớn, sản xuất gắn với chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu.
Việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử, hình thành các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín là những nhân tố để tạo dựng thương hiệu sản phẩm bưởi, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm bưởi trên địa bàn tỉnh...
Đinh Hiền