Nêu ý kiến tại phiên thảo luận “Điểm nghẽn hạ tầng hàng không” tại Hội thảo “Phát triển Hàng không – Chắp cánh du lịch Việt Nam” do BizLIVE tổ chức ngày 26/7, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, dưới góc nhìn quản lý các địa phương và thực tế, sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), tiền thân là sân bay quân sự do Liên Xô giúp đỡ Việt Nam nên chất lượng đường băng được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế, các máy bay hiện đại nhất có thể cất, hạ cánh tại sân bay.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa
Thứ hai, trên cơ sở đề nghị của tỉnh Thanh Hóa, quyết định khai thác ứng dụng, vừa dùng trong không quân, vừa dân dụng và sân bay Thọ Xuân đã chính thức đi vào hoạt động năm 2015. Thanh Hóa đã cam kết giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông, sân cảng, đường giao thông vào sân bay, Bộ Giao thông xây dựng nhà ga nên chỉ trong 1 năm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Bộ Giao thông vận tải cũng ký quy hoạch đến 2020 sân bay Thọ Xuân mới tiếp nhận 300 nghìn lượt khách/năm, nhưng qua 3 năm đi vào vận hành, năm 2017 đã đón trên 900 nghìn lượt khách và năm nay dự kiến đón 1 triệu lượt khách, tức là vượt quy hoạch.
Hiện có 3 hãng hàng không khai thác sân bay này VNA, VJA, Jetstar với 61 chuyến bay cất, hạ cánh trong 1 tuần. Cảng hàng không Thọ Xuân là 1 trong những cảng hàng không đưa vào sử dụng có hiệu quả. Chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ có thêm các hãng hàng không khác đi vào hoạt động tại đây, ví dụ như Bamboo Airways của Tập đoàn FLC.
Phát triển hàng không phải phát triển đồng bộ, tại sân bay hiện có công ty cảng quản lý cảng hàng không, có công ty quản lý bay, các hãng hàng không, nên đòi hỏi phải phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan này đáp ứng nhu cầu của hành khách và địa phương cũng phải đồng bộ hạ tầng.
“Chúng tôi xác định hạ tầng giao thông đi các nơi phải đầu tư xây dựng từ cảng hàng không về Thanh Hóa, về Sầm Sơn, đây là điều kiện để phát triển du lịch. Thanh Hóa được xác định là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là tỉnh rất rộng, diện tích đứng thứ 5 và dân số đứng thứ 3, có tiềm năng du lịch rất lớn, nhiều người ví Thanh Hóa như Việt Nam thu nhỏ.
Ở Việt Nam có gì thì ở Thanh Hóa có cái đấy, từ trung du, miền núi, biển, đảo... Thanh Hóa cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều di tích lịch sử nên tiềm năng du lịch lớn. Tôi cho rằng cùng với các nhà đầu tư đầu tư hạ tầng du lịch, việc đầu tư cho hàng không là giải pháp để phát triển, thu hút du lịch.”, ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, Thanh Hóa đón khoảng 7 triệu khách du lịch mỗi năm, chủ yếu khách tắm biển vào mùa hè và đi đường bộ là chính nên các hãng hàng không mở ra các đường bay, sân bay mới, các tour du lịch quốc tế thì ông tin chắc sẽ thúc đẩy phát triển du lịch.
“Vừa qua chúng tôi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn khai thác du lịch như Tập đoàn FLC đầu tư quần thể FLC Sầm Sơn, Sungroup, Vingroup, một vài tập đoàn khác đang nghiên cứu đầu tư… Hàng không có vai trò đóng góp lớn cho du lịch, đặc biệt là thu hút du khách quốc tế”, ông Quyền nhấn mạnh.
Trước câu hỏi được đặt ra "với mức độ khai thác như vậy, liệu sân bay Thọ Xuân có quá tải?", ông Nguyễn Đức Quyền cho biết: Theo thiết kế sân bay Thọ Xuân hiện tại đón 1,2 triệu lượt khách, nhưng có khả năng đón 2 triệu, chúng tôi hiện quy hoạch đất đai, sân đỗ cho cảng hàng không quốc tế. Chúng tôi chào đón, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sân bay, hàng không tại Thanh Hóa.
Bảo Ngọc (T/h)