Xây dựng kế hoạch triển khai 7 bệnh viện dã chiến
Hội nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng lần thứ 11 diễn ra chiều qua với sự chủ trì của Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y - Tổng cục Hậu cần báo cáo, thời gian qua, quân đội đã điều chỉnh kế hoạch, lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chính trị theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Quân đội cũng xây dựng kế hoạch triển khai 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, với tổng số 2.800 giường bệnh sẵn sàng ứng phó cho tình huống dịch lan rộng; tổ chức 144 điểm cách ly có khả năng tiếp nhận trên 44.700 người nhập cảnh từ vùng dịch.
Trong công tác cách ly, lực lượng trực tiếp phục vụ như quân y, hậu cần, lái xe… được bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ; thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, nhắc nhở, duy trì tốt các biện pháp chống lây nhiễm chéo. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp lây chéo trong khu cách ly và chưa có lây nhiễm cho quân nhân làm nhiệm vụ tại các khu vực này.
Bộ đội Biên phòng đã tổ chức 1.540 tổ với gần 6.000 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát cửa khẩu, ngăn chặn nhập cảnh trái phép; ngăn chặn hoạt động tội phạm, giữ vững an ninh trật tự vùng biên; thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo chủ trương thông quan trong hoạt động giao thương qua biên giới…
Trong công tác nghiên cứu, ngành quân y đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với Cuba và hợp tác nghiên cứu phác đồ điều trị, vắc-xin phòng bệnh, chuẩn bị hội nghị trực tuyến với Nga.
Duy trì sẵn sàng chiến đấu
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn đặc biệt ghi nhận tình cảm của nhân dân dành cho quân đội trong công tác phòng chống dịch, nhất là với lực lượng tuyến đầu như quân y, biên phòng…
“Chúng ta cảm thấy ấm lòng vì nhân dân tin yêu quân đội. Đây cũng là sự nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải luôn làm hết trách nhiệm, phận sự của mình, đó là vì nhân dân phục vụ”, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh.
Ông cho rằng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay là bằng mọi giá không được để dịch lây lan vào quân đội, phải giữ được quân số khỏe. Theo Thượng tướng, cuộc chiến này chưa biết bao giờ kết thúc, nếu tiếp tục kéo dài 3, 6 tháng hay hơn nữa cần tính đến các giải pháp.
“Quân đội phải tác chiến dài ngày và còn nhiều gian khổ, cam go. Hiện nay chúng ta sử dụng trên 20.000 quân tham gia vào chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ tình huống nào”, ông cho biết.
Theo Thượng tướng, cùng với nhiệm vụ chống dịch, quân đội còn nhiều nhiệm vụ khác phải thực hiện như bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển đảo; chủ trì tổ chức nhiều sự kiện trong năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN… “Chúng ta phải lường trước những khả năng khác như an ninh trật tự, vấn đề phức tạp trên Biển Đông, phải duy trì sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống”, ông nhấn mạnh.
Thượng tướng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu tổ chức lực lượng và phương án thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chính trị trong tình huống dịch bệnh diễn biến kéo dài; có phương án tạo nguồn, nghiên cứu, sản xuất, bảo đảm đầy đủ vật tư, trang bị, thuốc, hóa chất và phương tiện phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch.
PV (t/h)