Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 17/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 2.178.149 trường hợp, trong đó có 145.329 người tử vong.
Đến 6h00 ngày 17/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới nào, số trường hợp mắc COVID-19 ở Việt Nam là 268 trong đó đã có 177 trường hợp bình phục, số trường hợp đang còn điều trị là 91 người.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 73.758, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 369; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.628; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 61.761.
Trung Quốc hiện đứng thứ 7 trong danh sách các ổ dịch của thế giới. Giới chức y tế Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 46 ca nhiễm mới trong ngày 15/4, trong đó có 34 ca là từ nước ngoài trở về.
Tính đến ngày 17/4, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 82.341 ca, trong đó có 1.107 ca vẫn đang được điều trị và 77.892 người đã được xuất viện. Ước tính 8.484 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân hiện đang được theo dõi y tế.
Ngày 16/4, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Singapore là quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong vòng 24h qua. Bộ Y tế Singapore ngày 16/4 đã xác nhận thêm 728 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức kỷ lục về số lượng ca bệnh mới trong một ngày ở Singapore, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 4.427 người.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã được xếp hạng tốt nhất thứ 10 thế giới trong điều trị Covid-19 và đứng đầu trong số các quốc gia Ả Rập. Nước này đến nay đã phát hiện 5.365 người mắc Covid-19 và có 33 trường hợp tử vong.
Tình hình dịch bệnh ở Châu Á vẫn phức tạp
Trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, nước đang chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 là Nga, tiếp sau là một số nước có từ hơn một nghìn ca mắc bệnh trở lên. Những nước này đều duy trì hoặc gia hạn các lệnh cấm để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Tính đến ngày 16/04, tại nước cộng hòa Belarus đã ghi nhận hơn 4.200 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là nước có số người mắc bệnh cao thứ hai trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), chỉ sau Nga. Theo Bộ Y tế Belarus, trong số những người nhiễm bệnh đã có 40 người đã tử vong. Tại nước này đã tiến hành 81.246 xét nghiệm, với 24 phòng thí nghiệm hoạt động.
Còn tại Ukraine, đã ghi nhận 4.161 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 186 người đã bình phục, số tử vong là 116 người. Dự báo đỉnh dịch ở Ukraine sẽ xảy ra vào đầu tháng 5.
Tiếp theo, tại nước cộng hòa Moldova đã phát hiện 2.019 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 235 người đã bình phục, 53 người tử vong. Moldova không tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Chiến thắng do đại dịch.
Ở nước cộng hòa Uzbekistan, đã có 1.349 người mắc bệnh, trong đó 127 người đã bình phục, 4 trường hợp tử vong.
Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về tất cả các chỉ số ca nhiễm mới, ca tử vong mới trong ngày, cũng như về tổng số ca mắc bệnh và tổng số ca tử vong tính tới ngày 17/4. Trong vòng 24h qua, châu Mỹ chứng kiến dịch bệnh COVID-19 lây lan thêm 29.084 ca bệnh mới, 2.272 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong ở châu lục này lên lần lượt 721.642 và 36.563 trường hợp.
Tại Canada, trang web của Chính phủ Canada cập nhật lúc 11h ngày 16/4 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ), nước này có 28.899 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.048 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp, Chính phủ Mexico đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội tới ngày 30/5. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico ghi nhận 5.847 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó có 449 ca tử vong.
Số liệu cập nhật của Bộ Y tế Cuba (Minsap) ngày 16/4 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 48 ca dương tính với virus SARS-Cov-2, nâng tổng số bệnh nhân lên thành 814 người, trong đó có 24 ca đã tử vong, tăng 3 ca so với ngày hôm trước. Cả 3 ca tử vong mới đều được ghi nhận tại thủ đô La Habana, địa phương bị tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Cuba.
Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Bộ Y tế nước này hết ngày 16/4 thông báo số ca tử vong do bệnh COVID-19 đã tăng lên thành 19.315 người. Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 551 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, tăng so với mức 523 một ngày trước đó. Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 5.183 ca mắc bệnh, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 184.948 ca.
Pháp tiếp tục ghi nhận 753 ca tử vong vì dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu mùa dịch lên 17.920 người. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế - Bộ Y tế Pháp, tốc độ lây lan của virus Sars-CoV-2 tại Pháp đã ổn định nhưng vẫn ở mức cao.
Khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 tại Pháp là thủ đô Paris và các tỉnh lân cận, cũng đang cho thấy xu hướng giảm liên tục số ca bệnh nặng. Theo dữ liệu của Cơ quan Y tế vùng Ile-de-France, số ca bệnh nặng, cần hồi sức cấp cứu tại đây là hơn 2.400 người trong ngày 16/4, tiếp tục giảm nhẹ so với 3 ngày trước. Tính đến ngày 16/4, 4.359 người đã tử vong vì Covid-19 tại các bệnh viện ở thủ đô Paris và các tỉnh lân cận, trong khi hơn 33.000 người đã phải nhập viện.
Dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát tại Ai Cập với mức tăng cao nhất trong 24 giờ qua là 168 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.673. Số ca tử vong cũng tăng lên 196 người. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn không mang khẩu trang khi tới các khu đông người như chợ, siêu thị.v.v..Các lãnh đạo G7 đã lên tiếng ủng hộ WHO và kêu gọi hợp tác quốc tế
Tỷ phú George Soros đã ủng hộ 130 triệu USD cho công cuộc chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của nước Mỹ và các nước khác. Tổ chức thiện nguyện của ông có tên là Open Society Foundations (tạm dịch Quỹ Xã hội Mở) đang chuyển 20 triệu USD tới thành phố New York để lập Chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho người nhập cư. Theo đó, 20.000 gia đình nhập cư tại đây vốn không được hưởng trợ cấp từ chương trình hỗ trợ của chính quyền liên bang sẽ được nhận trực tiếp một lần một khoản 400 USD (nếu sống một mình) hoặc 1.000 USD (nếu là một gia đình).
Các quan chức y tế trên toàn thế giới đã lên án Tổng thống Trump vì quyết định ngừng cấp vốn cho WHO, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, giữa đại dịch. Ngày 16/4, các lãnh đạo G7 đã lên tiếng ủng hộ WHO và kêu gọi hợp tác quốc tế.
Một số lãnh đạo G7 có sự hoài nghi về một số khía cạnh trong phản ứng của WHO và phản ứng của Trung Quốc đối với dịch bệnh, nhưng lập luận rằng giữa đại dịch Covid-19 không phải thời điểm để làm gián đoạn sự lãnh đạo quốc tế của WHO, bằng cách ngừng cấp vốn.
Trang Nguyễn