Chiều ngày 09/03, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Auckland, thăm chính thức New Zealand từ ngày 10-11/03 theo lời mời của Thủ tướng Christopher Luxon.
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay Auckland về phía New Zealand có Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Melissa Lee; Cục trưởng Lễ tân, Bộ Ngoại giao và Thương mại Rod Harris; Đại sứ New Zealand được bổ nhiệm tại Việt Nam Caroline Beresford.
Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung cùng nhiều cán bộ Đại sứ quán và kiều bào Việt Nam tại New Zealand.
Theo bà Suz Jessep, chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính thực sự rất có ý nghĩa. Đây là cơ hội để cả New Zealand và Việt Nam tăng cường hơn nữa mối quan hệ ở mức cao nhất và trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề quan trọng đối với cả hai nước. Việc Việt Nam cử một phái đoàn cấp cao và đông đảo như vậy đến thăm New Zealand là minh chứng cho thấy Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ với quốc gia Châu Đại Dương này.
Năm 2025, New Zealand và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong gần 05 thập niên qua, hai nước đã chứng kiến sự phát triển đáng kể trong hợp tác giữa hai chính phủ và giao lưu nhân dân, thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực như quốc phòng và an ninh, thể thao, khoa học, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác.
Nhìn chung, quan hệ giữa New Zealand và Việt Nam rất sôi động và đó là điều đáng được tôn vinh. Đây cũng là nền tảng để hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trong tương lai.
Chuyên gia Suz Jessep nhắc lại, năm 2020, New Zealand và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược. Đây là sự thừa nhận về một mối quan hệ chặt chẽ hơn mà hai nước đã cùng nhau xây dựng, nhưng cũng là sự thể hiện mong muốn rằng cả hai nước sẽ tiếp tục hợp tác với nhau và thúc đẩy lợi ích chung.
New Zealand đã hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành nông nghiệp, củng cố năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, đồng thời hỗ trợ phát triển lực lượng lao động có kỹ năng lành nghề và trình độ cao. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trung tâm thương mại và đổi mới của khu vực, và New Zealand có thể học hỏi rất nhiều từ kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn của Việt Nam.
Bà Suz Jessep khẳng định, New Zealand và Việt Nam có nhiều bạn chung, vì thế có cơ hội hợp tác với các nước khác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết những thách thức xuyên biên giới.
Đánh giá về hợp tác song phương trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương, bà Suz Jessep cho rằng, cả hai nước đều ủng hộ một khu vực hòa bình được quản trị bằng luật pháp, tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải. Theo bà, việc bảo vệ và thúc đẩy sự thịnh vượng cũng như ổn định chung đòi hỏi New Zealand và Việt Nam, cùng với các quốc gia Đông Nam Á và các cường quốc khu vực khác, cần tiếp tục hợp tác.
Nhận định về triển vọng của mối quan hệ New Zealand-Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia này cho rằng, hai nước có tiềm năng lớn để phát triển quan hệ hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực.
Quỹ Châu Á-New Zealand đang nỗ lực giúp xây dựng mối liên hệ giữa những nhân tài New Zealand và những đồng nghiệp của họ ở Châu Á, trong đó có các doanh nhân trẻ đang nỗ lực đưa ra các biện pháp để giải quyết những thách thức trong tương lai như nhu cầu lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ, năng lượng xanh... Đồng thời, quỹ này cũng đầu tư vào việc tăng cường kết nối giữa cộng đồng người Việt và người New Zealand, làm cơ sở để phát triển các mối quan hệ quốc gia mạnh mẽ, sâu sắc hơn.
Bà Suz Jessep nhận định, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại New Zealand đang ngày càng tăng và mang theo những kỹ năng cũng như sự nhạy bén về văn hóa mà quốc gia châu Đại Dương này cần.
Tháng 04/2024, Quỹ Châu Á-New Zealand sẽ đưa một nhóm lãnh đạo trẻ New Zealand đến Việt Nam để tìm hiểu về đất nước, nền kinh tế, lịch sử và xây dựng mối quan hệ với các lãnh đạo trẻ Việt Nam.
Vào tháng 05/2024, quỹ sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm các nhà quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật đến Việt Nam để tìm hiểu về nền nghệ thuật đang phát triển của Việt Nam cũng như kết nối với những người làm nghệ thuật của Việt Nam.
Quỹ Châu Á-New Zealand cũng sẽ chào đón một phái đoàn gồm các doanh nhân du lịch và kinh doanh nông nghiệp đến từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để tìm hiểu về lĩnh vực nông nghiệp và du lịch của New Zealand cũng như chia sẻ ý tưởng với các đối tác địa phương.
Những kết nối như vậy giúp hai nước phát triển các liên kết thương mại và nhìn nhận mối quan hệ vượt ra ngoài lăng kính thương mại. Giám đốc điều hành Quỹ Châu Á-New Zealand tin rằng đó là điều cần thiết để xây dựng các mối quan hệ bền chặt và lâu dài hơn.
PV (t/h)