Chủ tịch nước Trần Đại Quang
TH&CL trân trọng giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn:
Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua?
Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống, giá trị nhân văn. Thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973, 45 năm qua, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực. Từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (tháng 3/2014), quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.
Về chính trị, hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao. Năm 2017, lần đầu tiên có năm chuyến thăm cấp cao diễn ra trong vòng một năm, trong đó dấu mốc lịch sử là chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hai lần đến Việt Nam; Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam sau 15 năm. Năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ song phương khi hai nước ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 6/2017). Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM... Thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vừa qua có sự đóng góp, hợp tác tích cực của Nhật Bản.
Về kinh tế, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; là nước cung cấp ODA lớn nhất và là đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam. Đặc biệt, năm 2017, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu ở Việt Nam. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hai nước đang cùng triển khai nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, năng lượng tại Việt Nam. ODA của Nhật Bản trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác đã đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hợp tác trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo, lao động... đã đạt nhiều tiến triển thực chất. Hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, du lịch phát triển mạnh mẽ. Năm 2017, Nhật Bản đứng thứ ba về số lượng khách du lịch đến Việt Nam và xứ sở hoa Anh Đào cũng là điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam. Trên 230.000 người Việt Nam học tập, sinh sống, làm việc tại Nhật Bản và hơn 16.000 người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.
Năm nay, hai nước tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta vui mừng nhận thấy, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất.
Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết những biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới?
Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Tiềm năng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực còn lớn do hai nước có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11/2017, tôi và Ngài Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trao đổi và nhất trí về các phương hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trên các lĩnh vực.
Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy về chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao; tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.
Trên cơ sở và đà hợp tác kinh tế tốt đẹp hiện nay, hai bên sẽ nỗ lực phát huy lợi thế của mỗi nước để bổ sung cho nhau trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế thông qua tăng cường hợp tác về ODA, thương mại, đầu tư. Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn ODA, triển khai tích cực các cơ chế hợp tác về kinh tế giữa hai nước. Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giàu tiềm năng khác như hợp tác về lao động, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hợp tác giữa các địa phương; phối hợp chặt chẽ thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, qua đó, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, coi đây là nền tảng cho hợp tác bền vững trong tương lai.
Với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã, đang và sẽ là người bạn chân thành, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ cùng Nhật Bản tiếp tục hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế và khu vực về các vấn đề cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tôi tin tưởng, trên cơ sở sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, cùng sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả hai bên, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển toàn diện và thực chất, vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như của các dân tộc trên thế giới.
Thời gian tới, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những lĩnh vực nào, thưa Ngài Chủ tịch nước?
Nhật Bản hiện là đối tác hàng đầu về kinh tế của Việt Nam. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2017, đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản đã đạt con số kỷ lục gần 9 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tăng gấp bốn lần so với năm 2016.
Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và có nguồn vốn dồi dào, con số trên vẫn ở mức khiêm tốn vì đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào châu Á và thấp hơn mức đầu tư của Nhật Bản tại một số nước Đông Nam Á. Trong khi đó, hai nước có cơ cấu kinh tế có thể bổ sung, hỗ trợ nhau để cùng phát triển.
Nhật Bản là quốc gia phát triển, có trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Việt Nam mong muốn Nhật Bản đầu tư, chuyển giao công nghệ vào sáu ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, cũng như các lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, xử lý nước thải, rác thải…
Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản vào tháng 2/2017, 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư mới vào Việt Nam và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là dấu hiệu tích cực và là cơ sở để tin tưởng rằng đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong những năm tới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Nhân dịp đầu Xuân mới 2018, tôi trân trọng gửi tới Hoàng gia, Chính phủ, nhân dân Nhật Bản và bạn đọc Báo Yomiuri những lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc quan hệ hợp tác, tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta không ngừng được củng cố và phát triển.
TH&CL