Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa với tinh thần chủ động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và thu được một số kết quả, góp phần ổn định thị trường.
Trước tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đang diễn biến ngày càng phức tạp, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đang chú trọng các giải pháp để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Công luận, ông Lê Thế Anh – Phó Cục trưởng Quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2023, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng phòng, ban và đội quản lý thị trường trực thuộc.
Theo đó, để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023; Cục QLTT Thanh Hóa đã yêu cầu Trưởng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Đội trưởng các Đội QLTT và Trưởng các đoàn thể thuộc Cục QLTT tỉnh phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Báo cáo thực hiện nhiệm vụ công tác Quản lý thị trường 7 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, QLTT Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu và chấp hành pháp luật; tập trung tuyên truyền đối với mặt hàng vệ sinh an toàn thực phẩm; nhất là các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết Trung thu năm 2023.
Lồng ghép công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh và người dân; lấy chỉ tiêu xã hội làm trọng, tiền thu phạt vi phạm hành chính chỉ là thước đo để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Thực hiện tốt công tác nắm bắt địa bàn, rà soát, điều chỉnh kịp thời sự tăng, giảm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đưa các đối tượng kinh doanh đúng trọng tâm vào sổ bộ theo dõi quản của ngành; duy trì đường dây nóng để nắm bắt thông tin phản ánh từ Nhân dân về các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Bộ phận Thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục bám sát thực hiện các Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ban, ngành; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; theo dõi, đôn đốc các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn theo lĩnh vực được phân công quản lý.
Các Đội QLTT với trách nhiệm Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 huyện, thị xã, thành phố bám sát vào các chương trình, kế hoạch, phương án của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ động tham mưu kịp thời cho Trưởng ban Chỉ đạo 389 huyện, thị xã, thành phố ban hành các chương trình, kế hoạch, phương án và các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm tra, đôn đốc, phối hợp các phòng ban thuộc UBND, các ngành, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, QLTT Thanh Hóa làm tốt công tác theo dõi diễn biến thị trường, tổng hợp kết quả, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định về Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Cùng với đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Cục QLTT Thanh Hóa sẽ chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Trước mắt, thời điểm Tết Trung thu đang đến gần, vào thời điểm này, mặt hàng đồ chơi trẻ em và bánh trung thu đã được bày bán tại nhiều cơ sở kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ về buôn bán tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Thực hiện Công văn số 1823/TCQLTT-CNV ngày 18/8/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2023 và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2023, Công văn số 12112/BCĐ-VPĐP ngày 18/8/2023 của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm - UBND tỉnh Thanh Hóa về tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2023; nhằm bình ổn thị trường, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đã thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Đồng thời, Cục QLTT Thanh Hóa yêu cầu các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu.
Cục QLTT yêu cầu các độ kiểm tra về nguyên liệu sản xuất bánh trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh trung thu; kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Các đội quản lý thị trường sẽ chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh;
Chú trọng kiểm tra các mặt hàng đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia.
Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, thu thập thông tin và tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch, sự phù hợp của hàng hóa đối với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng; kiểm tra thực tế sự phù hợp của chất lượng hàng hóa với nội dung công bố trên nhãn hàng hóa.
Cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu các đội quản lý thị trường trực thuộc chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, các cơ quan liên quan, thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Lê Nam